Trắc nghiệm MBTI gợi ý ngành nghề phù hợp cho nhóm tính cách ESFP

Trắc nghiệm MBTI gợi ý ngành nghề phù hợp cho nhóm tính cách ESFP

Thông qua bài trắc nghiệm tính cách MBTI, bạn sẽ hiểu rõ hơn về tính cách của mình.

Làm trắc nghiệm MBTI

Tự hiểu về bản thân dựa trên những trắc nghiệm tính cách khoa học như MBTI là một cách hết sức thông minh và hiệu quả mà nhiều người sử dụng để phát triển kỹ năng sống cũng như lựa chọn nghề nghiệp, từng bước hoàn thiện bản thân để thành công và thăng tiến. Một trong những nhóm tính cách được cho là có nhiều ưu điểm nhất là tính cách ESFP. Hãy cùng RaoXYZ tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về kiểu tính cách này qua bài viết sau đây bạn nhé.

tinh cach esfp

Những đặc điểm chính của nhóm tính cách ESFP

I. Nhóm tính cách ESFP là gì? Các đặc điểm chính

1. Nhóm tính cách ESFP là gì?

ESFP là một từ viết tắt được sử dụng để mô tả một trong 16 kiểu tính cách theo trắc nghiệm MBTI. Nó là viết tắt của Extraverted, Sensing, Feeling, Perceiving. ESFP là tính cách của một người thích dành thời gian cho những người xung quanh (Hướng ngoại), người tập trung vào các sự kiện và chi tiết hơn là các ý tưởng và khái niệm (Cảm nhận), người đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc và giá trị (Cảm xúc) và thích linh hoạt thay vì lên kế hoạch cho mọi việc (Perceiving). Tính cách ESFP có bản chất là luôn vui tươi, tràn đầy năng lượng.

ESFP còn được gọi là Người trình diễn, Người biểu diễn. Những người thuộc kiểu tính cách ESFP thường rất hoạt bát và thu hút những người xung quanh. Họ là những người "thích gì làm nấy", tràn đầy năng lượng và vui vẻ, yêu thích nhiều thứ trong cuộc sống như đồ ăn, trang phục, thiên nhiên, động vật và con người. Chính điều đó khiến ESFP là những người ấm áp (và nói nhiều). Họ nhiệt tình với cuộc sống, thích hành động và được chú ý. Họ vui tươi, cởi mở và muốn lan tỏa năng lượng tích cực cho mọi người.

Về cơ bản, những người thuộc tính cách ESFP sống cho hiện tại, tận hưởng những gì đang có. Họ cũng đặc biệt thích thú với việc sử dụng giác quan của mình để ngắm nhìn, cảm nhận về cảnh vật, âm thanh, mùi vị và kết cấu của môi trường xung quanh. Một đặc điểm khác là ESFP thích cuộc sống bận rộn, thích thể thao và hoạt động ngoài trời. Dù lạc quan và vui vẻ nhưng nhìn chung thì tính cách ESFP vẫn là người có suy nghĩ thực tế.

2. ESFP trong mắt những người xung quanh

Với đa số mọi người, ESFP là những con người của tiệc tùng, vui chơi và đặc biệt thu hút người khác bằng sự hài hước, nhiệt tình. Những người thuộc kiểu tính cách ESFP cũng rất tinh tế trong việc chú ý đến cảm xúc của mọi người xung quanh (xem họ có vui không) và cố gắng hết sức để tạo ra khoảng thời gian vui vẻ cho tất cả. Trong công việc và các hoạt động khác, ESFP có khả năng dẫn dắt mọi người tham gia vào những hoạt động tích cực.

Dù vậy, kiểu tính cách ESFP cũng có nghĩa là trong nhiều thời điểm, họ thường thân thiện và dễ mến, nhưng có thể khó gần vào lúc khác. Mặc dù ESFP có xu hướng rất cởi mở, nhưng rõ ràng là họ không muốn nghiêm túc hoặc nói về bất cứ điều gì tiêu cực. ESFP cũng thường yêu thích những gì rực rỡ và tươi sáng.

3. Mức độ phổ biến của nhóm tính cách ESFP

Tính cách ESFP là kiểu phổ biến thứ 3 ở phụ nữ và phổ biến thứ 7 ở nam giới. ESFP gồm 9% tổng dân số và chiếm 10% phụ nữ, 7% nam giới.

tinh cach esfp 2

ESFP là những con người của tiệc tùng, vui chơi, hài hước

4. Những người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách ESFP

  • Marilyn Monroe (Diễn viên).
  • Dolly Parton (Ca - nhạc sĩ).
  • Elizabeth Taylor (Diễn viên).
  • Judy Garland (Diễn viên).
  • Magic Johnson (Cựu cầu thủ bóng rổ Mỹ).
  • Elvis Presley (Ca sĩ).
  • Ronald Reagan (Cựu tổng thống Mỹ).
  • Serena Williams (Vận động viên quần vợt).
  • Paul McCartney (Ca - nhạc sĩ).
  • Bob Hope (Nghệ sĩ hài).
  • Goldie Hawn (Diễn viên).

II. Thế mạnh và điểm yếu của những người thuộc nhóm tính cách ESFP

1. Điểm mạnh của ESFP

  • Chân thành: Những người thuộc nhóm tính cách ESFP tươi sáng và năng động, lạc quan và tích cực nên họ mang lại nụ cười và niềm vui cho người khác. Bản thân ESFP cũng thích việc khiến cho mọi người vui vẻ và hạnh phúc. Họ chân thành, có bản năng đồng cảm và nhân ái, rất biết quan tâm tới mọi người.
  • Tinh thần hợp tác và giúp đỡ: Một đặc điểm tính cách khác được coi là thế mạnh của tính cách ESFP là rất tự tin, muốn trở thành trung tâm của sự chú ý, tuy nhiên, họ vẫn đề cao tinh thần hợp tác và không cố tranh giành công sức hay làm lố khi làm việc nhóm. Họ đóng vai trò là người hỗ trợ trong hầu hết các tình huống và thường trở thành người dẫn đầu vì năng lực và sự tháo vát. Là đồng đội, thành viên trong nhóm, ESFP sẽ luôn lắng nghe những gì mọi người nói và gần như không bao giờ cố ép người khác tuân theo các ý tưởng của chính mình.
  • Suy nghĩ và hành động tích cực: Bên cạnh đó, những người thuộc kiểu tính cách ESFP là những nhà tư tưởng tích cực, tin chắc rằng mọi người nên nhìn vào mặt tươi sáng của cuộc sống thay vì lo lắng, ủ ê. Họ không muốn lãng phí cơ hội, cũng không bỏ qua những cuộc trò chuyện, những buổi giao lưu để có được niềm vui, sự phấn khích và các trái nghiệm độc đáo. Hơn nữa, ESFP luôn cố gắng lan tỏa năng lượng tích cực cho mọi người, cống hiến cho công việc. Đó cũng là lý do tại sao nhiều tỷ phú tự thân hay những diễn giả nổi tiếng được ngưỡng mộ nhất là những người thuộc kiểu tính cách ESFP.
  • Táo bạo và thiết thực: Từ chối sống trong quá khứ hay áp lực vì những lo lắng trong tương lai, ESFP cũng sẽ không bị phân tâm bởi những điều mơ mộng hay tưởng tượng. Họ tập trung vào thực tiễn, có quyết tâm, táo báo và tham vọng. Họ rất muốn giúp đỡ người khác nhưng đồng thời cũng yêu cầu cao về sự nỗ lực và kết quả. Những người thuộc kiểu tính cách ESFP có thể không sẵn lòng kiên nhẫn khi mọi người chần chừ, lo lắng quá nhiều hoặc làm việc không hướng kết quả.

2. Điểm yếu của ESFP

  • Lảng tránh xung đột: Một vấn đề đối với những người có tính cách ESFP là không muốn xung đột nên sẽ cố gắng phủ nhận những sự khó chịu hoặc tránh các tình huống không thoải mái (ngay cả khi nó đã xảy ra). Tuy nhiên, thực tế thì không phải xung đột nào cũng xấu và việc lảng tránh không giải quyết ngay thời điểm đó có thể để lại những hậu quả.
  • Nhạy cảm: Khá mâu thuẫn khi mà tính cách ESFP thích thể hiện, mong được chú ý, cũng rất thẳng thắn nhưng lại cực kỳ nhạy cảm. Họ sẽ cảm thấy tổn thương sâu sắc khi người khác chỉ trích các ý tưởng, tính cách hoặc hành vi của họ - ngay cả khi đó là lời góp ý mang tính xây dựng. Tệ hơn, ESFP có thể phản ứng bằng sự tức giận và bực bội do có cảm giác người khác đang chất vấn hoặc công kích họ.
  • Dễ cảm thấy nhàm chán: Với tính cách hướng nội và ham vui, ESFP khó duy trì sự tập trung vào chủ đề hiện tại và dễ cảm thấy nhàm chán, có lúc mơ màng và chỉ muốn được trải nghiệm liên tục những điều mới mẻ. Tính cách này khiến ESFP có thể rơi vào tình trạng cạn kiệt năng lượng. Hãy nhớ rằng cuộc sống của bạn không phải bữa tiệc không ngừng nghỉ, do vậy, bạn nên tập trung hơn vào những việc cần hoàn thành.
  • Ít chú ý tới lý thuyết, hướng dẫn: Khi được lựa chọn giữa lý thuyết và thực hành, ESTP thường sẽ luôn chọn thực hành. Họ thiếu niềm tin với những khái niệm trừu tượng, giả thuyết trong tương lai và những dự báo, tầm nhìn quá xa. Điều này có thể khiến những ai thuộc kiểu tính cách ESFP khó mà trở thành một nhà lãnh đạo tài năng trong việc lập kế hoạch dài hạn. ESFP cũng không xuất sắc trong việc nhận ra tầm quan trọng của các kế hoạch thay thế nên dễ bị mù quáng trước các cơ hội thay đổi mang tính tiêu cực.

tinh cach esfp 3

Ưu và nhược điểm của những người thuộc nhóm tính cách ESFP

III. Lựa chọn nghề nghiệp cho ESFP

Trong công việc, những người thuộc kiểu tính cách ESFP sẽ muốn được thực hành nhiều hơn là nghe và làm theo hướng dẫn lý thuyết. Họ thích môi trường làm việc thoải mái, năng động, có tự do nhất định, hòa đồng với đồng nghiệp thân thiện, thoải mái và nhiệt tình.

ESFP thực dụng, thực tế và có thể thích nghi tốt với môi trường mới, dễ tương tác với những người mới quen. Họ thường chọn một công việc mà bản thân cảm thấy hữu ích, đang giúp đỡ được người khác, có thể thấy được kết quả thực tế, hữu hình. Bên cạnh đó, ESFP cũng giỏi giải quyết vấn đề phát sinh, lấy con người làm trung tâm và có thể sử dụng tốt kỹ năng họ có để cung cấp sự giúp đỡ khi người khác cần.

Nhìn chung, tính cách ESFP sẽ giúp bạn có sự nhạy bén bẩm sinh, có thiên hướng nghệ thuật. Những công việc liên quan tới thiết kế, nghệ thuật hoặc âm nhạc sẽ rất phù hợp. Bản thân ESFP cũng thường thích nghề nghiệp có thể di chuyển, môi trường làm việc có tính thẩm mỹ, trong khi dễ bị căng thẳng bởi các quy tắc nghiêm ngặt hay sự quan liêu quá mức. ESFP cũng không thích dự án dài hạn vì cảm thấy nhàm chán.

1. Những công việc phù hợp nhất cho ESFP

Từ những đặc điểm tính cách như vậy, ESFP sẽ phù hợp nhất cho các công việc như là:

  • Giáo viên tiểu học.
  • Nhân viên công tác xã hội.
  • Giáo viên giáo dục đặc biệt.
  • Y tá.
  • Vật lý trị liệu.
  • Tư vấn nghề nghiệp.
  • Trợ lý.
  • HLV thể hình.
  • Nha sĩ.
  • Bác sĩ nhi khoa.
  • Chuyên gia dinh dưỡng.
  • Bảo mẫu.
  • Chuyên viên thẩm mỹ.
  • Nhân viên thu mua, nhân viên mua hàng.
  • Nhân viên PR, quan hệ công chúng.
  • Điều phối viên sự kiện.
  • Nhân viên kinh doanh bất động sản.
  • Tư vấn bảo hiểm.
  • Nhân viên lễ tân.
  • Tiếp viên hàng không.
  • Thiết kế thời trang, thiết kế nội thất.
  • Thợ kim hoàn.
  • Kiến trúc sư.
  • Bếp trưởng.
  • Nhạc sĩ.
  • Họa sĩ.
  • Nhiếp ảnh gia.
  • Cảnh sát.
  • Lính cứu hỏa...

2. Các nghề nghiệp mà ESFP nên tránh

Trong khi đó, một số ngành nghề được cho là không phù hợp với tính cách ESFP bao gồm:

  • Kỹ sư hệ thống.
  • Chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật.
  • Phi công.
  • Kỹ sư cơ khí.
  • Kỹ sư hoá học.
  • Kỹ sư y sinh.
  • Bác sĩ tâm lý.
  • Giáo viên ngôn ngữ.
  • Bác sĩ gia đình.
  • Giáo sư đại học.
  • Luật sư.
  • Thẩm phán.
  • Kiểm toán, kế toán...

tinh cach esfp 4

Lời khuyên lựa chọn nghề nghiệp cho những người nhóm tính cách ESFP

3. Khả năng làm việc nhóm (teamwork) của ESFP

Trong môi trường làm việc nhóm, ESFP là các thành viên tích cực, vui vẻ, có thể điều hòa không khí của nhóm trở nên thoải mái hơn. Họ thích giao lưu với những người xung quanh nên coi làm việc nhóm là cơ hội để tương tác và tham gia nhiều hơn cùng mọi người. Thực tế, những người thuộc kiểu tính cách ESFP không có khả năng định hướng nhiệm vụ cho nhóm nhưng đổi lại biết quan tâm, đưa ra sự trợ giúp cần thiết, hỗ trợ thiết thực và dễ trao đổi.

ESFP sẽ làm việc tốt nhất khi có cơ hội giải quyết các vấn đề thực tế mà không cần phải quá nghiêm túc hay khắt khe. Họ giỏi trong việc tạo điều kiện hợp tác và thường có kỹ năng lắng nghe tốt, cởi mở với mọi quan điểm trong nhóm. Họ cũng phát hiện và nhìn nhận đúng khả năng của mọi người, thúc đẩy cả nhóm gắn bó hơn, có động lực nhiều hơn để phấn đấu. Những người thuộc nhóm tính cách ESFP sẽ thích hợp với các nhóm hợp tác hơn là môi trường quá cạnh tranh.

4. ESFP trong vai trò leader, quản lý

Trong vai trò lãnh đạo, ESFP thường được quý mến và tôn trọng vì họ là những người thực tế, luôn cố gắng khuyến khích nhân viên và nhiệt tình với công việc. Sức mạnh của những nhà quản lý ESFP nằm ở khả năng tạo động lực, thúc đẩy một đội nhóm giải quyết các khủng hoảng dù là phát sinh bất ngờ. ESFP rất giỏi quan sát tâm trạng và hành vi của người khác, thường sử dụng khả năng nhạy bén này để kết nối với nhân viên cũng như cung cấp hỗ trợ, hướng dẫn cần thiết giúp nhân viên hoàn thành tốt công việc.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo thuộc nhóm tính cách ESFP còn rất giỏi trong việc tạo môi trường làm việc đồng thuận và kết nối để mọi người hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, họ cũng thích thể hiện một hình ảnh tích cực và duy trì các tương tác dễ chịu hơn là tham gia vào giải quyết tranh chấp. ESFP sẽ thực sự cảm thấy khó khăn khi trong nhóm, trong bộ phận có xung đột. Hơn nữa, vì không thích lập kế hoạch dài hạn nên ESFP làm việc tốt nhất khi lãnh đạo một nhóm hỗ trợ lẫn nhau để đạt được những kết quả cụ thể, ngắn hạn.

IV. ESFP trong các mối quan hệ

1. Phong cách giao tiếp của ESFP

Ấm áp và tươi sáng, những người thuộc nhóm tính cách ESFP cũng nhẹ nhàng, nhiệt tình trong giao tiếp, thích tương tác với mọi người mà chẳng cần phải có mục đích gì. ESFP cũng muốn giữ cho các cuộc trò chuyện đều vui vẻ và tràn ngập tiếng cười. ESFP thích được khen ngợi và đó cũng là nguồn năng lượng cho họ. Tuy nhiên, nếu cuộc thảo luận có xu hướng chuyển sang căng thẳng, tranh chấp, chỉ trích thì họ sẽ rời khỏi ngay lập tức.

2. Những nhóm tính cách hợp với ESFP

  • Thấu hiểu lẫn nhau: ISFP, ESTP, ESFP và ESFJ được cho là những nhóm tính cách cực kỳ hợp với tính cách ESFP. Do có cùng quan điểm, nhiều sở thích giống nhau nên hai bên sẽ dễ xây dựng mối quan hệ, gần như không có xung đột nào.
  • Thu hút lẫn nhau nhờ sự khác biệt: Trong khi đó, những người thuộc các nhóm tính cách ISTP, ISFJ, ENFP, ENFJ thì rất dễ bị thu hút bởi ESFP hoặc ngược lại. Tính cách vừa có điểm giống lại vừa có điểm khác, hai bên dễ cảm thấy thú vị, tò mò về người còn lại và muốn hiểu về nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn các giá trị, quan điểm.
  • Bổ sung cho nhau: Kiểu tính cách ESFP có vẻ như không hề liên quan tới các nhóm ISTJ, INFP, ESTJ, ENTP nhưng khi hiểu nhau thì họ có thể thấy một số điểm chung cũng như các cơ hội học hỏi từ nhau. Ban đầu không thu hút lẫn nhau nhưng theo thời gian thì họ vẫn có tiềm năng thân thiết và kết nối với nhau.
  • Dễ xung đột với nhau: INTP, INTJ, INFJ, ENTJ là những nhóm tính cách gần như trái ngược hoàn toàn với tính cách ESFP cả về giá trị, động lực. Hai bên dễ bất đồng quan điểm và xung đột, dù vậy vẫn luôn có cơ hội để kết nối và học hỏi được nhiều điều từ nhau.

tinh cach esfp 5

Mối quan hệ giữa ESFP với các nhóm tính cách khác ra sao?

V. Nguyên tắc để ESFP phát triển bản thân, thăng tiến sự nghiệp

Để hoàn thiện bản thân và thành công trong sự nghiệp cũng như cuộc sống, những người thuộc kiểu tính cách ESFP nên nỗ lực khắc phục điểm yếu và phát huy hết tiềm năng của mình bằng cách:

  • Kiềm chế tính bốc đồng bằng cách lập kế hoạch, xác định mục tiêu: Thông thường, tính tự phát và bốc đồng khiến ESFP dễ đi chệch hướng. Để tránh đưa ra quyết định vội vàng, bạn nên cố gắng thiết lập các mục tiêu và tổ chức, sắp xếp hoạt động ngay từ khi bắt đầu. Sử dụng các công cụ lập danh sách, bảng biểu và lịch trình có thể sẽ hữu dụng vì ít nhất bạn cũng có kế hoạch rõ ràng để tham khảo, hạn chế bạn bị kéo đi vì những cám dỗ khác có vẻ thú vị hơn.
  • Cân nhắc đến kế hoạch dài hạn: Vì quá tập trung vào các vấn đề thực tế nên đôi khi, các bạn có nhóm tính cách ESFP có thể lãng phí nhiều cơ hội thay đổi và ảnh hưởng tới tương lai. Tất cả chúng ta đều nên mở rộng tầm nhìn và tỉnh táo để có thể nhìn mọi thứ từ một góc nhìn rộng lớn hơn. ESFP sẽ phát triển bản thân tốt hơn khi có thể đối thoại, thẳng thắn với những người khác họ - những người có tầm nhìn, mơ ước và sáng tạo.
  • Không nên quá nhạy cảm với lời góp ý: Đặc điểm tính cách, gần như là điểm yếu đáng kể của nhóm tính cách ESFP là quá nhạy cảm với những lời chỉ trích hay góp ý dù không phải lúc nào cũng tiêu cực. Góp ý hay chỉ trích không hẳn là định kiến, công kích cá nhân nên bạn không cần phản ứng với thái độ bực bội và phòng thủ. Hãy thuyết phục bản thân rằng tất cả những lời chỉ trích mà họ nhận được đều có ý nghĩa xây dựng, nhờ đó mà bạn có cơ hội học hỏi và tiến bộ nhiều hơn.
  • Đối mặt với khó khăn: ESFP nổi tiếng là nhóm tính cách luôn cố gắng lảng tránh các chủ đề hoặc tình huống khó chịu. Tuy nhiên, chạy trốn khỏi rắc rối thực sự có thể khiến bạn tự hủy hoại các mối quan hệ (do vấn đề không được giải quyết). Thay vì tránh những thứ khiến mình khó chịu, tốt hơn hết là bạn nên đối diện bằng thái độ tích cực.

Những thông tin chi tiết về tính cách ESFP mà RaoXYZ chia sẻ trên đây có giúp bạn hiểu hơn về đặc điểm, thế mạnh, điểm yếu của mình? Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp có thể chỉ mang tính chất tham khảo nhưng bạn cũng nên cân nhắc để chọn đúng ngành nghề và phát triển sự nghiệp cho mình.