Tính cách ENFP theo trắc nghiệm MBTI có điểm mạnh, điểm yếu nào? lựa chọn nghề nghiệp ra sao?

Tính cách ENFP theo trắc nghiệm MBTI có điểm mạnh, điểm yếu nào? lựa chọn nghề nghiệp ra sao?

Thông qua bài trắc nghiệm tính cách MBTI, bạn sẽ hiểu rõ hơn về tính cách của mình.

Làm trắc nghiệm MBTI

Mỗi nhóm tính cách sẽ có một đặc điểm khác nhau và đôi khi ưu điểm của nhóm này lại là nhược điểm của nhóm khác. Điều quan trọng là bản thân mỗi người cần nhìn nhận và đánh giá đúng về chính mình để phát triển bản thân và cải thiện những điểm hạn chế. Bên cạnh đó, lựa chọn nghề nghiệp dựa trên đặc điểm nhóm tính cách cũng được cho là một phương pháp khá chính xác. Trong bài viết này, hãy cùng RaoXYZ tìm hiểu về kiểu tính cách ENFP bạn nhé.

tinh cach enfp

Những đặc điểm chính của nhóm tính cách ENFP

I. Nhóm tính cách ENFP là gì? Các đặc điểm chính

1. Nhóm tính cách ENFP là gì?

ENFP là một trong các kiểu tính cách theo trắc nghiệm MBTI, viết tắt của Extraversion, iNtuition, Feeling và Perceiving. ENFP sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng khi được dành thời gian dành cùng với người khác (Hướng ngoại), tập trung vào các ý tưởng và khái niệm hơn là sự kiện và chi tiết (iNtuitive), đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc và giá trị (Cảm xúc), và thích linh hoạt hơn là có kế hoạch và tổ chức (Cảm nhận).

Tính cách ENFP đôi khi còn được gọi là "Nhà vô địch" hoặc "Người truyền cảm hứng" vì những người thuộc kiểu tính cách này rất nhiệt tình giúp đỡ người khác, thúc đẩy và truyền cảm hứng để mọi người thực hiện ước mơ của họ. Về cơ bản, tính cách ENFP là những người có tư duy sáng tạo, lấy con người làm trung tâm, tập trung vào các khả năng và luôn nỗ lực lan tỏa năng lượng tích cực qua những ý tưởng mới, thúc đẩy con người và các hoạt động ý nghĩa. Năng động, nồng nhiệt và đam mê, những người thuộc nhóm tính cách ENFP sẽ thích giúp mọi người khám phá tiềm năng sáng tạo của mình.

Thực tế, ENFP hay tò mò về người khác, quan tâm đến những ý nghĩa của công việc, sự kiện hơn là bản thân hoạt động, coi trọng cảm xúc hơn là tính logic. Họ thường là những người giao tiếp thân thiện, nhanh nhẹn và sử dụng sự thông minh, hài hước cũng như khả năng ngôn ngữ để kết nối với mọi người qua các câu chuyện thú vị. Khả năng tưởng tượng và cá tính độc đáo, những người có kiểu tính cách ENFP cũng thường có năng khiếu nghệ thuật. Họ bị thu hút bởi nghệ thuật vì khả năng thể hiện những ý tưởng sáng tạo và tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn về trải nghiệm của con người. ENFP dễ bị nhàm chán bởi các chi tiết và sự lặp lại.

2. ENFP trong mắt những người xung quanh

Đối với những người khác thì ENFP có thể là người thích nói chuyện, quá tích cực và nhiệt huyết nhưng dĩ nhiên là theo nghĩa tích cực. Những người thuộc nhóm tính cách ENFP thực sự thích nói chuyện và đưa ra ý kiến về mọi người xung quanh. Đó cũng là động lực thúc đẩy, truyền cảm hứng của họ trong cuộc sống khi được lắng nghe và chia sẻ qua nhiều câu chuyện.

ENFP thường sẽ tự do chia sẻ nguyện vọng, mong muốn của mình và muốn lắng nghe ý kiến ​​của người khác. ENFP không đánh giá ước mơ của bất kỳ ai là tốt hay không, thay vào đó, họ sẽ muốn thảo luận về những tưởng tượng (cho dù là kỳ lạ) với thái độ nồng nhiệt nhất. Họ thích khám phá các khả năng sáng tạo, tránh những sự thật khô khan và thực tế khắc nghiệt. Bên cạnh đó, ENFP có thể có vẻ hơi khác thường, đôi khi sẽ tránh tiếp xúc với môi trường xung quanh, hay bỏ qua các chi tiết vì muốn kết nối với mọi người hoặc tập trung vào các ý tưởng. Họ ít kiên nhẫn với những điều "bình thường".

tinh cach enfp 2

Đánh giá của những người xung quanh về nhóm tính cách ENFP

3. Mức độ phổ biến của nhóm tính cách ENFP

Nhóm tính cách ENFP không quá phổ biến nhưng cũng không phải là hiếm. Đây là kiểu tính cách phổ biến thứ 5 ở phụ nữ, bao gồm 8% dân số chung - 10% phụ nữ và 6% nam giới.

4. Những người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách ENFP

  • Bill Clinton (Cựu tổng thống Mỹ).
  • Phil Donahue (Nhà văn, nhà sản xuất, MC).
  • Mark Twain (Nhà văn, tác giả lớn).
  • Edith Wharton (Tiểu thuyết gia).
  • Will Rogers (Diễn viên).
  • Carol Burnett (Diễn viên).
  • Dr. Seuss (Tác giả).
  • Robin Williams (Diễn viên).
  • Drew Barrymore (Diễn viên).
  • Julie Andrews (Diễn viên).
  • Alicia Silverstone (Diễn viên).
  • Joan Baez (Ca - nhạc sĩ).
  • Regis Philbin (Người diễn thuyết).

II. Thế mạnh và điểm yếu của những người thuộc nhóm tính cách ENFP

1. Điểm mạnh của ENFP

  • Giao tiếp xuất sắc: Một trong những điểm mạnh nhất của tính cách ENFP là những người thuộc nhóm này gần như đều có kỹ năng giao tiếp vượt trội, khéo léo và duyên dáng. Họ sẽ thu hút bất kỳ ai vào cuộc trò chuyện ngay khi bắt đầu, duy trì và dẫn dắt những cuộc thảo luận. Cho dù trong cuộc sống hay trong công việc thì rõ ràng kỹ năng giao tiếp giúp gắn kết cũng như mở rộng các mối quan hệ tích cực.
  • Trí tưởng tượng phong phú: Không chỉ vậy, những người thuộc nhóm tính cách ENFP cũng có thể tận dụng khả năng sáng tạo và tưởng tượng để giải quyết các vấn đề thực tế. Đối với họ, các phương pháp cũ không phải luôn là tốt nhất. Trong mọi tình huống, ENFP tin rằng sẽ luôn có những lựa chọn khác, cách tiếp cận khác. Họ coi những trở ngại là cơ hội và họ đối mặt với mọi thử thách bằng cách nhìn mới mẻ, không có định kiến.
  • Các nhà lãnh đạo bẩm sinh: Bên cạnh đó, tính cách ENFP cũng là nhóm tính cách có khả năng lãnh đạo bẩm sinh vì họ tự tin vào khả năng đảm đương những công việc đòi hỏi nhiều trách nhiệm mà những người khác có thể cảm thấy quá khó khăn. Trong vai trò lãnh đạo, ENFP là những người xây dựng môi trường đồng thuận, làm việc chăm chỉ để đạt được sự tin tưởng của các cộng sự, kiên nhẫn lắng nghe ý kiến ​​của nhân viên và phản ứng nhiệt tình với những đề xuất hiệu quả. Thái độ quyết đoán, tâm lý "có thể làm được" của ENFP truyền cảm hứng cho người khác và thúc đẩy họ hành động.
  • Tích cực với hoạt động xã hội: Thường tích cực trong các phong trào xã hội, ENFP là những người có tấm lòng nhân ái, không chịu được đau khổ, bất công. Họ có thể trở nên rất quyết đoán và nghiêm túc khi đứng lên vì những điều mà họ cho là đúng đắn và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người khác.

2. Điểm yếu của ENFP

  • Quá mẫn cảm: Cả trong cuộc sống và trong công việc, những người thuộc kiểu tính cách ENFP đôi khi sẽ để trí tưởng tượng của họ "chạy lung tung", có thể trở nên mẫn cảm và đa nghi. Sự tỉnh táo và khả năng nhận thức quan trọng nhưng đôi khi sẽ khiến ENFP bị ám ảnh và đánh giá sai về động cơ của người khác có thể làm tổn thương các mối quan hệ.
  • Thiếu tập trung: Những ai có kiểu tính cách ENFP sẽ luôn sáng tạo không ngừng, có khả năng trải qua mỗi ngày với vô số ý tưởng táo bạo. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng thực sự tập trung vào nguồn cảm hứng của mình. Nếu không có những người khác tham gia hỗ trợ, xử lý các chi tiết thì những ý tưởng hay nhất của họ có thể không bao giờ được đưa vào thực tiễn. ENFP dựa vào sự hứng thú và đam mê ban đầu của họ quá nhiều nhưng không đủ tập trung và kỷ luật để thực hiện. Họ có xu hướng bắt đầu các dự án mới trước khi những dự án cũ kết thúc.
  • Suy nghĩ và phản ứng thái quá: ENFP có xu hướng nhạy cảm với sự bất bình, phẫn nộ hoặc thù địch. Thói quen phân tích quá kỹ hành vi của người khác có thể dẫn đến sự tức giận và xung đột không cần thiết. Nếu ENFP không nhận được nhiều lời khen ngợi như họ mong đợi từ những người quan trọng thì họ sẽ cảm thấy rất bất an, cảm thấy như mình bị ngó lơ, không được tôn trọng và yêu thương.
  • Quá nhiệt huyết và coi trọng đánh giá của người khác: Mặc dù biểu hiện cảm xúc là một phần cốt lõi trong bản tính của tính cách ENFP, nhưng chúng cũng có thể bị làm quá. Phong cách sôi nổi, tràn đầy năng lượng của ENFP không phù hợp với tất cả mọi người, nhất là những người hướng nội. Bên cạnh đó, ENFP cũng là những người tìm kiếm sự chấp thuận, và với mong muốn nhận được sự khen ngợi và thừa nhận, họ có thể cố gắng quá mức để tạo ấn tượng tốt, nói quá nhiều và lắng nghe quá ít trong quá trình này.

tinh cach enfp 3

Ưu và nhược điểm của nhóm tính cách ENFP

III. Lựa chọn nghề nghiệp cho ENFP

Tại nơi làm việc, những người có kiểu tính cách ENFP sẽ quan tâm nhiều đến việc sử dụng khả năng sáng tạo của họ để thể hiện bản thân và hoàn thành các mục tiêu chung. ENFP muốn khám phá các khả năng cho bản thân và đồng nghiệp, tiếp cận công việc của họ với tầm nhìn và nguồn cảm hứng. Họ thích giải quyết các vấn đề sáng tạo hoặc lấy con người làm trung tâm, đòi hỏi một giải pháp nguyên bản, giàu trí tưởng tượng.

Ngoài ra, những người có kiểu tính cách ENFP cũng thường được thúc đẩy bởi niềm tin của chính bản thân họ vào các công việc họ cảm thấy ý nghĩa, nhân đạo. Họ đặc biệt quan tâm đến việc giúp người khác phát triển với tư cách cá nhân. Họ có xu hướng chọn những nghề nghiệp cho phép theo đuổi lý tưởng phát triển cá nhân và thể hiện năng khiếu nghệ thuật. Bên cạnh đó, ENFP không thích công việc ổn định, lặp lại mỗi ngày mà muốn có nhiều nhiệm vụ và thử thách. Họ thích tự lập lịch trình và không thoải mái khi bị gò bó với những quy định. Môi trường làm việc lý tưởng cho ENFP là thoải mái và thân thiện, ít hạn chế về khả năng sáng tạo.

1. Những công việc phù hợp nhất cho ENFP

Đặc điểm tính cách cho phép ENFP có thể thử sức trong nhiều lĩnh vực, trong đó thiên về nghệ thuật, biểu diễn cũng như các công việc thường xuyên cần đến giao tiếp và tương tác. Những nghề nghiệp hàng đầu cho những người thuộc nhóm tính cách ENFP bao gồm:

  • Giải trí, nghệ thuật: Diễn viên, vũ công (dancer), biên đạo múa, giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn...
  • Kinh doanh, bán hàng, hành chính nhân sự: Chuyên viên tuyển dụng nhân sự, chuyên viên đào tạo, nghiên cứu thị trường, chuyên viên phân tích tài chính, tư vấn bảo hiểm, môi giới bất động sản, nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng, nhân viên sales tour du lịch...
  • Dịch vụ và chăm sóc cá nhân: Người huấn luyện động vật, thợ cắt tóc/ làm đẹp, bác sĩ thẩm mỹ, chuyên viên thẩm mỹ, bảo mẫu, HLV thể hình, tiếp viên hàng không...
  • Nghiên cứu khoa học (khối xã hội): Nhà tâm lý học, nghiên cứu xã hội học, khảo cổ học...
  • Truyền thông đa phương tiện, ngôn ngữ: Nhân viên biên - phiên dịch, nhiếp ảnh gia, nhân viên PR, nhà văn, biên kịch,...
  • Giáo dục đào tạo và thông tin thư viện: Nhân viên hồ sơ, giáo viên tiểu học, thủ thư, giáo viên giáo dục đặc biệt, giảng viên,...
  • Nghệ thuật và thiết kế: Thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, giám đốc nghệ thuật, kiến trúc sư cảnh quan,...
  • Y tế và chăm sóc sức khỏe: Bác sĩ dinh dưỡng, vật lý trị liệu, hộ sinh, chuyên gia tư vấn phục hồi chức năng, nhân viên công tác xã hội,...

2. Các nghề nghiệp mà ENFP nên tránh

Bên cạnh những nghề nghiệp được cho là phù hợp, phát huy được thế mạnh của nhóm tính cách ENFP thì cũng có một số công việc đòi hỏi khả năng tập trung cao độ, mức độ chính xác... mà ENFP có thể không thích hợp lắm, chẳng hạn như:

  • Giao dịch viên ngân hàng.
  • Quản lý tài chính.
  • Thẩm phán.
  • Kỹ sư xây dựng.
  • Kỹ sư cơ khí.
  • Kỹ sư phần mềm.
  • Kỹ sư hệ thống.
  • Giám sát sản xuất.
  • Cảnh sát.
  • Bác sĩ nha khoa.

tinh cach enfp 4

Những người thuộc nhóm tính cách ENFP nên chọn nghề nghiệp thế nào?

3. Khả năng làm việc nhóm (teamwork) của ENFP

Khi làm việc nhóm, những người thuộc kiểu tính cách ENFP sẽ là các thành viên nhiệt tình nhất, tham gia nhiều nhất và luôn quan tâm đến việc khám phá các ý tưởng, khả năng mới. Họ thích liên hệ với mọi người, lắng nghe các ý tưởng (tốt nhất là ý tưởng sáng tạo). Mặc dù là người cởi mở và thân thiện nhưng trong công việc, ENFP lại là những người có nguyên tắc - biết bản thân muốn tìm kiếm giá trị gì và động lực như thế nào. Tuy nhiên, họ ít quan tâm tới quy định chung, khuyến khích đồng nghiệp suy nghĩ kỹ lưỡng và thấu đáo, sáng tạo để tìm ra tiếng nói của riêng mình.

ENFP là một thành viên giỏi tập trung vào các mối quan hệ và ý tưởng nhưng có nguy cơ xích mích với các thành viên khác trong nhóm - những người định hướng chi tiết vì ENFP không thích phải dành thời gian cho chi tiết mà muốn tập trung vào chiến lược. Có khả năng giao tiếp tốt, ENFP giỏi động viên người khác, luôn cam kết thực hiện sứ mệnh, mục tiêu chung.

4. ENFP trong vai trò leader, quản lý

Ở các vị trí quản lý, nhà lãnh đạo có kiểu tính cách ENFP sẽ truyền sự nhiệt tình và hào hứng cho các ý tưởng của họ. Phong cách lãnh đạo của họ có xu hướng dân chủ và linh hoạt, hướng đến phát triển tiềm năng nhân viên. ENFP có thể trao nhiều quyền tự do trong công việc cho các cá nhân, tạo môi trường làm việc sáng tạo và có động lực cho mọi người. Họ cũng thường sâu sắc trong đánh giá về các vấn đề động lực, con người.

Tuy vậy, bởi vì quá tập trung vào lý tưởng của mình nên đôi khi, các nhà lãnh đạo ENFP có nguy cơ bỏ qua tính thực tiễn của các kế hoạch, dự án. Họ tập trung vào con người hơn là quá trình và có thể không đạt được mục tiêu cuối cùng. Để làm tốt nhất, những người thuộc nhóm tính cách ENFP khi làm lãnh đạo nên tập trung phát triển các kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức để đảm bảo rằng các ý tưởng sáng tạo của họ trở thành hiện thực.

IV. ENFP trong các mối quan hệ

1. Phong cách giao tiếp của ENFP

Trong các mối quan hệ cả trong công việc và cuộc sống, ENFP sẽ là những người giao tiếp nhiệt tình, hợp tác, thích khám phá những điều thú vị và tiềm năng ở người khác. Họ thường thích làm quen, có bạn mới, tìm kiếm những gì truyền cảm hứng cho họ và giỏi lắng nghe, chia sẻ. Với khả năng đồng cảm, ENFP có thể tìm thấy điều gì đó tốt đẹp và ấn tượng ở hầu hết mọi người họ gặp, thích khuyến khích người khác phát triển bản thân để trở nên tài giỏi hơn, xuất sắc hơn. Những người thuộc kiểu tính cách ENFP thường lạc quan và thích nói về các cơ hội cho tương lai, thúc đẩy người khác tham gia vào kế hoạch và tầm nhìn của họ.

2. Những nhóm tính cách hợp với ENFP

  • Hòa hợp, thấu hiểu lẫn nhau: INFP, ENTP, ENFP, ENFJ là những nhóm tính cách có rất nhiều điểm tương đồng với tính cách ENFP. Sở thích, động lực, cách tiếp cận vấn đề... giống nhau giúp hai bên dễ dàng thấu hiểu, thân thiết và gắn bó, hiếm khi trái quan điểm và xung đột.
  • Khác biệt nhưng thu hút lẫn nhau: Trong khi đó, INTP, INFJ, ESFP và ENTJ lại là những nhóm tính cách vừa giống lại vừa khác ENFP. Sự giống nhau giúp họ kết nối, sự khác nhau giúp họ cảm thấy bị đối phương hấp dẫn. Nhờ thế mà hai bên sẽ dễ giao tiếp, cũng dễ dàng làm bạn, phối hợp tốt trong công việc.
  • Bổ sung cho nhau: Những người thuộc kiểu ENFP sẽ khó mà cảm thấy kết nối ngay lập tức được với các nhóm tính cách ESTP, ISFP, INTJ, ESFJ vì khác biệt nhiều hơn là điểm chung. Dù vậy, bỏ đi ấn tượng ban đầu, nếu có thể tiếp xúc lâu dài thì ENFP sẽ học được khá nhiều điều có ích từ các nhóm trên và ngược lại.
  • Đối lập, dễ xung đột: Có một số nhóm tính cách bị cho là "tương khắc" với ENFP, gồm có: ISTP, ISTJ, ISFJ và ESTJ. Những người thuộc kiểu tính cách đó có các giá trị và động lực khác hẳn với ENFP nên hai bên khó mà cảm thấy liên quan hoặc kết nối. Dù vậy, bởi vì họ rất khác nhau nên điểm mạnh của nhóm này là điểm yếu của nhóm kia, nếu có thể phát triển mối quan hệ thì họ vẫn có thể học được rất nhiều điều từ nhau.

tinh cach enfp 5

Mối quan hệ giữa ENFP với các nhóm tính cách khác

V. Nguyên tắc để ENFP phát triển bản thân, thăng tiến sự nghiệp

Để phát huy hết tiềm năng của mình và thành công, thăng tiến thì những bạn có kiểu tính cách ENFP sẽ cần:

  • Chấp nhận thực tế: ENFP trực quan và có con mắt sắc bén để đánh giá tình huống, sự việc. Tuy nhiên, bạn có thể mắc sai lầm khi khăng khăng tìm kiếm những động cơ tiềm ẩn hoặc sa vào lý thuyết âm mưu ở khắp mọi nơi. Trong các cuộc gặp gỡ xã hội thông thường, bạn nên nỗ lực nhìn vào thực tế, tránh đưa ra nhiều giả định.
  • Không trốn tránh các công việc thực tế: ENFP là những người nhiệt tình nhưng nhanh chán, khi đang làm dự án này, bạn sẵn sàng dùng hết tinh lực nhưng bất ngờ, bạn có thể bỏ dở để chạy sang các công việc khác. Điều quan trọng là bạn nên học cách kiểm soát chặt chẽ trên cả hành trình. Các nhiệm vụ đi sâu vào chi tiết có thể không thú vị nhưng đó là một phần quan trọng không kém các ý tưởng.
  • Nhìn vào bản chất sự việc, ít bị ảnh hưởng bởi khen chê bên ngoài: Bên cạnh đó, những người thuộc nhóm tính cách ENFP cũng phải nhớ rằng, dù cho bạn thích những lời khen ngợi và cố gắng rất nhiều để làm hài lòng mọi người thì đó cũng không phải mục đích sống của bạn. Khi chú ý quá nhiều (so với mức cần thiết) đến ý kiến khen chê của người khác, bạn sẽ dễ bị thao túng, ảnh hưởng.
  • Xây dựng các mối quan hệ hợp tác tích cực: Bởi vì đặc điểm tính cách không câu nệ và chú ý tới tiểu tiết nên sẽ cần trợ lý và đồng nghiệp có thể xử lý các nhiệm vụ mà họ có xu hướng bỏ qua. Lý tưởng nhất, bạn nên xây dựng mối quan hệ tốt với những ai có thể bổ sung cho kỹ năng còn thiếu sót của mình.

Tính cách ENFP thường được mọi người quý mến, dễ thích nghi và làm tốt những công việc phù hợp. Dù vậy, bạn cũng nên chú ý để điều chỉnh một số hạn chế để thành công hơn cả trong công việc và cuộc sống.