Thói quen hạn chế nhầm chân ga và phanh

Thói quen hạn chế nhầm chân ga và phanh

Luôn sử dụng một chân và đặt gót xoay kiểu chữ V, không sử dụng thảm sàn quá cao là những cách giúp tài xế không nhầm chân ga và phanh.

Một báo cáo năm 2017 từ Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) ước tính có khoảng 16.000 vụ tai nạn mỗi năm với nguyên nhân do phương tiện cố tăng tốc đột ngột ngoài chủ đích của người lái. Các lý do cho việc này bao gồm sử dụng sai bàn đạp, bàn đạp không phản hồi, bàn đạp bị kẹt vào thảm lót sàn xe, hoặc lỗi do bộ điều khiển bướm ga điện tử.

Một khảo sát hôm 6/4 của VnExpress cũng cho thấy, 52% độc giả (tính đến thời điểm đăng bài) từng đạp nhầm chân ga. Có nhiều cách thức và thói quen lái xe nhằm tránh hiện tượng phương tiện tăng tốc đột ngột ngoài chủ đích. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia lái xe an toàn.

Dùng một chân ga-phanh, xoay gót chữ V

Vị trí để chân đúng khi lái là chân trái để lên côn (với xe số sàn) hoặc chỗ nghỉ chân (xe số tự động), gót chân phải để thẳng vị trí bàn đạp phanh. Khi cần tăng tốc, chân phải xoay gót kiểu chữ V sang bàn đạp ga, không nhấc hẳn chân lên cao, mất điểm tì gót xuống sàn.

Vị trí để chân chữ V trên xe. Ảnh: Learn Automatic

Vị trí để chân chữ V trên xe. Ảnh: Learn Automatic

Ngoài ra, khi không đạp ga, chân phải quay về vị trí bàn đạp phanh. Với thói quen này, chủ xe sẽ hình thành "trí nhớ cơ bắp" về vị trí bàn đạp phanh (khi chân phải để thẳng), và bàn đạp ga (khi chân phải để vị trí chéo), giúp hạn chế tối đa tình trạng nhầm chân phanh và chân ga, và thời gian phản xạ đạp chân phanh khi có sự cố sẽ được rút ngắn.

Điều chỉnh ghế hợp với cơ thể

Để điều chỉnh vị trí ghế lái thích hợp và an toàn, đầu tiên chủ xe ngồi lên ghế, hai tay để trên vô-lăng. Sau đó, điều chỉnh vị trí ghế sao cho chân không quá với (chân thẳng) khi đạp phanh, hoặc không quá gập đầu gối. Góc gập đầu gối vào khoảng 120 độ là phù hợp nhất, góc gập lớn hơn sẽ làm chân bị với, gây nguy hiểm cho chủ xe nếu va chạm với xe khác, góc gập nhỏ hơn khiến người gần vô-lăng, khó điều khiển và khó thay đổi vị trí chân phanh/chân ga.

Điều chỉnh sao cho khoảng cách giữa mép ghế và chỗ gập sau đầu gối bằng hai ngón tay. Ảnh: Wikihow

Điều chỉnh sao cho khoảng cách giữa mép ghế và chỗ gập sau đầu gối bằng hai ngón tay. Ảnh: Wikihow

Độ cao của ghế sao cho phần hông ngang với đầu gối, lưng ghế nghiêng góc khoảng 100 độ, tay cầm vô-lăng hơi gập nhẹ, khoảng 120 độ. Một mẹo là điều chỉnh sao cho khoảng cách giữa mép ghế và chỗ gập sau đầu gối bằng hai ngón tay.

Chuyển về số N (số mo) khi phải dừng xe lâu

Ở N, dù tài xế có đạp nhầm chân ga, xe cũng không lăn bánh. Vì vậy, nếu phải dừng đèn tín hiệu quá lâu, tài xế có thể chuyển về N, và đạp phanh. Hiện nay một số xe tự động trang bị tính năng Auto Hold - tự động giữ phanh khi dừng xe, sẽ giúp tài xế có thể buông phanh mà xe không trôi.

Tuyệt đối không được đẩy cần số về N, buông chân phanh nếu không có phanh tay hay Auto Hold hỗ trợ. Vì lúc đó, xe có thể bị trôi tiến, lùi vào xe khác.

Nếu dừng xe ở lề đường để chờ người khác, tài xế có thể chuyển về P, phanh tay.

Đi giày khi lái xe

Khi tham gia giao thông, chủ ôtô nên đi giày thay vì đi dép hoặc chân trần. Giày với phần đế bằng cao su giúp chủ xe tránh tình trạng bị "trượt" khỏi chân phanh/ga. Bên cạnh, giày sẽ bảo vệ chân khi xảy ra tai nạn. Mang dép hoặc guốc cao gót khi lái xe là việc làm nguy hiểm, vì chúng có thể trượt khỏi chân, vướng vào bàn đạp ga/phanh.

Bên cạnh, lái xe bằng chân trần cũng không được khuyến khích, do mồ hôi chân có thể khiến người lái bị trượt khỏi bàn đạp. Việc di chuyển giữa bàn đạp ga, phanh cũng có thể khiến ngón chân bị thương. Lưu ý không nên chọn loại giày với phần đế dày, vì làm mất cảm giác khi sử dụng côn, phanh và ga, hoặc loại giày với phần đế trơn nhẵn, dễ bị trượt. Giày thể thao, sneaker với phần cổ ngắn là phương án an toàn nhất khi lái xe.

Chọn thảm sàn đúng chuẩn

Thảm sàn giúp chủ xe giữ vệ sinh, nhưng lắp đặt không đúng chuẩn sẽ khiến thảm bị xê dịch, chèn lên chân ga/phanh. Khi trang bị thảm, chủ xe nên tìm mua các thương hiệu uy tín, có trang bị phần chốt cố định với sàn xe. Chất liệu bằng cao su thường được các nhà sản xuất thảm uy tín sử dụng, vì có độ bám chân và độ bền cao hơn các chất liệu khác.

Chân ga bị kẹt dưới thảm sàn. Ảnh: Reddit

Chân ga bị kẹt dưới thảm sàn. Ảnh: Reddit

Hiện trên thị trường có nhiều loại thảm 3D, 4D bọc toàn bộ sàn xe, thông thường loại thảm này được sản xuất theo kiểu thủ công, đặt may theo yêu cầu. Chủ xe nên thận trọng khi sử dụng loại thảm này, vì chất lượng chưa được kiểm định, hoặc không được trang bị phần chốt cố định với sàn xe. Bên cạnh, việc chồng nhiều lớp thảm lên nhau là việc làm nguy hiểm, vì thảm dễ bị trượt khỏi vị trí lắp đặt, khiến chèn chân phanh/ga.

Luôn lái xe trong tình trạng tỉnh táo

Nếu gặp vấn đề về sức khỏe, khả năng tập trung, tài xế không nên lái xe. Khi không tỉnh táo, tài xế có thể bị giật mình, mất kiểm soát, luống cuống mà đạp nhầm chân ga.

Để giữ tỉnh táo, cần ngủ đủ giấc và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Tài xế không nên lái xe liên tục nhiều giờ đồng hồ. Cần nghỉ giữa quãng, ra khỏi xe hít thở không khí tươi, tập các động tác thể dục nhẹ nhàng để giải phóng cơ thể khỏi trạng thái mỏi mệt.

Tân Phan