Tâm sự của ông chồng có vợ suốt ngày trông núi nọ mà thèm thuồng

Tâm sự của ông chồng có vợ suốt ngày trông núi nọ mà thèm thuồng

Bởi em vẫn biết đấy, bất kỳ một sự so sánh nào cũng là khập khiễng, và không ai dám chắc tương lai mỗi người sẽ ra sao .

Em gặp lại Thu – một người bạn gái học chung lớp cấp ba sau nhiều năm mất liên lạc. Buổi gặp gỡ của hai gia đình nhỏ sẽ vui vẻ trọn vẹn nếu em không mang anh và gia đình mình ra so sánh với bạn.

Em thao thao bất tuyệt kể về ngày xưa, kể về sự “chênh lệch” giữa em và Thu. Nào là em học giỏi bao nhiêu thì Thu lại chẳng có điều kiện học như em vì gia đình khó khăn, bạn ấy phải phụ giúp bố mẹ làm đồng áng, chăn nuôi. Nào là em của ngày xưa luôn là hoa khôi của lớp, luôn lọt vào “tầm ngắm” của những chàng công tử, đẹp trai, con nhà giàu, còn Thu lại chẳng có gì nổi bật ngoài hai bộ quần đen áo trắng giản dị tới trường. Bố mẹ em là công nhân viên nhà nước, còn bố mẹ Thu quanh năm lặn lội với nắng mưa để trồng hạt lúa, củ khoai trên cánh đồng.

Ấy thế mà, 15 năm gặp lại, Thu giờ là bà chủ của hệ thống Spa nổi tiếng, khoác trên mình những bộ quần áo đắt tiền, lấy được người chồng vừa giỏi kiếm tiền vừa yêu thương cô ấy hết mực. Em cứ vô tư kể, rồi em đổ lỗi cho “số phận hẩm hiu” nên không được hưởng cuộc sống an nhàn, đầy đủ như cô ấy. Em kể những khó khăn hàng ngày chúng ta gặp phải, em ước ao mà không để ý đến cảm giác của anh lúc đó. Anh xấu hổ với bạn của em vì không mang lại cho vợ một cuộc sống như mong muốn. Dù không hào hứng khi nghe em huyên thuyên chuyện ngày xưa cô bạn có những thói hư tật xấu như thế nào nhưng thấy giọng em đầy ghen tị, bực tức khiến anh vừa ngạc nhiên, vừa thấy khó chịu. Sao em không nghĩ có được ngày hôm nay là do cô ấy thực sự cố gắng làm việc, chịu thương chịu khó, biết vượt qua hoàn cảnh? Sao em không nghĩ “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”? Và hơn hết, có bao giờ em biết, mỗi khi bị so sánh như thế, anh cảm thấy buồn và tổn thương đến thế nào không?

Anh đã quá quen với những cuộc điện thoại của em và những người bạn thân thiết. Nếu như trước kia em vui biết bao nhiêu khi anh trở thành một cán bộ công chức thì nay, em thể hiện thái độ khinh thường vì đồng lương ba cọc, ba đồng. Từ đó, em đánh giá anh không có năng lực, không ngoại giao giỏi, không dám bon chen nên mới chọn con đường công chức để yên ổn. Em quên mất rằng, anh đã từng là “thần tượng” của em một thời. Và buồn hơn, em đã không còn trân trọng nghề trồng người của anh nữa…

Anh nghe em than thở với bạn mà thấy buồn. Anh chỉ là một cán bộ công chức nhà nước bình thường, làm công ăn lương. Không chức quyền, địa vị. Dù không ga lăng, chịu chơi, không đẹp trai giàu có nhưng công bằng mà nói, anh là một người đàn ông biết yêu thương vợ con, sống có trách nhiệm với gia đình. Việc lớn anh đều gánh vác, việc nhỏ cũng không chối từ. Anh làm tất cả mọi thứ với mong muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Không giàu sang hơn ai, nhưng chưa bao giờ anh để em phải thiếu thốn, thua chị kém em điều gì. Từ trước đến giờ, anh luôn cố gắng để cuộc sống vợ chồng, con cái lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm. Mọi thứ chẳng có gì đáng để em phải than phiền, ủ dột. Vậy mà cứ mỗi khi có khách đến nhà, hay nghe tin ai có cái này, cái khác, em lập tức về nhà khen lấy, khen để, so sánh người này, người khác, đôi khi kèm theo thái độ ghen tị, bực tức và tiếc nuối như thể mọi thứ của em đã bị người ta cướp mất.

Vợ chồng mình là người ngoại tỉnh, hai bàn tay trắng về Hà Nội lập nghiệp và xây dựng gia đình. Xuất phát điểm thấp nhưng chúng ta đã có những năm tháng sống và cố gắng bằng tất cả những nỗ lực không biết mệt mỏi để có được ngày hôm nay. 10 năm cùng lăn lộn nơi thị thành, 5 năm về chung sống chung dưới một mái nhà, chúng ta đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để xin được việc làm, mua xe, cả căn nhà nhỏ xinh xắn… tất cả đều bằng cả mồ hôi và nước mắt của anh và em. Anh vẫn nghĩ mình may mắn khi lấy được em, cô gái chỉn chu, biết cách chi tiêu, tiết kiệm để tích cóp vốn cho mai sau chứ không nay mốt này, mai hiệu kia. Anh đã không ít lần nhắn nhủ em hãy bằng lòng với cuộc sống thực tại của mình, đừng để áp lực khiến cả hai vợ chồng thêm mệt mỏi. Nhưng vài năm trở lại đây, em luôn so sánh nhà mình với nhà người khác. Nào là nhà chị cùng cơ quan mới mua ô tô; nhà bạn cùng đại học bán căn chung cư để mua đất, xây biệt thự; rồi thì chồng của cô em họ mới mở công ty, làm ăn mấy chốc mà tiền gửi ngân hàng sắp tính bằng tiền tỷ,… Nhiều lắm, kể chán, em lại thở dài khi hai vợ chồng mình vẫn lạch cạch con xe số, tiền mua nhà mới trả hết, bao giờ cho có tiền tiết kiệm để dành cho con, mơ mộng gì chuyện đổi nhà, mua xe ô tô đi cho đỡ mưa nắng…

Nhất là cách em nói về người yêu cũ giờ là giám đốc công ty thương mại càng khiến anh thêm tự ái. Em không để ý đến tâm trạng của chồng, bao nhiêu lời hay ý đẹp, kỉ niệm yêu đương thời trẻ được em kể một cách hồn nhiên, vô tư. Em so bì, tị nạnh với người phụ nữ là vợ của anh ta đi nước ngoài như đi chợ, áo quần thì mua toàn hàng hiệu. Em ghét cái cách mà người phụ nữ ấy khoe khoang khi đi làm bằng ô tô, thậm chí chồng còn đưa đón, chụp ảnh gia đình đi ăn những của ngon vật lạ trong những nhà hàng sang trọng đắt tiền, đi du lịch bốn mùa lên facebook. Nghe giọng kể say sưa và có phần tiếc rẻ của em, anh cảm thấy mình là người đã gây ra khổ nạn này. Khi không chịu được nữa, anh bảo: “Sao ngày xưa em không lấy anh ta cho sướng?”. Thấy anh tỏ thái độ, em mới chịu dừng lại câu chuyện tình yêu của mình.

Sau đó một thời gian, người tình trong mộng của em bị bắt đi tù vì tội tham ô, vợ con cũng bị vạ lây, em tuyệt nhiên không hề nhắc đến nữa. Nhưng thói quen hay so sánh anh với người khác thì em vẫn chưa bỏ được. Chính điều đó đã làm cuộc sống gia đình lục đục, xáo trộn, làm anh thấy bị xúc phạm, coi thường. Bản thân em cũng phải khổ tâm, dằn vặt bởi những thứ không thuộc về mình. Viết cho em những dòng này, thêm một lần nữa anh mong em hãy nhớ rằng: Tất cả những sự so sánh đều là khập khiễng, bởi mỗi người có một hoàn cảnh, một đường đi khác nhau, quan trọng là sự thoải mái, ấm êm trong cuộc sống hàng ngày. Em đừng so sánh anh và cuộc sống của mình với bất cứ ai nữa được không?

Theo Thế giới trẻ