Phải làm gì khi người quản lý trực tiếp của bạn bị sa thải?

Phải làm gì khi người quản lý trực tiếp của bạn bị sa thải?

Đối với một số người, việc có được một người quản lý tốt là điều rất tuyệt vời. Nhưng chẳng may, cấp trên của bạn đột nhiên bị sa thải và bạn cảm thấy tương lai của mình ở công ty trở nên mơ hồ. Vậy phải làm thế nào?

Người Tìm Việc hỏi:

Xin chào Tìm Việc Nhanh, mình là Thanh Thư hiện đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Hiện tại mình đang khá bối rối và cần sự tư vấn từ các chuyên gia. Chuyện là người quản lý của mình vừa bị công ty sa thải vào tuần trước. Anh ấy là người trực tiếp tuyển và đào tạo mình. Theo mình biết thì do không ”hợp cạ” với sếp tổng nên mới bị sa thải. Thật sự anh ấy là một người có chuyên môn giỏi và mình đã học hỏi được rất nhiều từ anh ấy. Bây giờ mình vừa chán nản lại lo sợ cấp trên sẽ có ác cảm với mình, không biết có nên gắn bó với công ty nữa hay không? Mình phải làm sao bây giờ đây?

Thanh Thư, TPHCM

Tìm Việc Nhanh trả lời:

Xin chào Thanh Thư, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chương trình. Tìm Việc Nhanh hiểu rằng bây giờ bạn đang rất rối bời và chán nản. Mất đi một người quản lý, người chỉ đường cho mình thật sự là điều khó khăn. Thế nhưng bạn không nên để các suy nghĩ tiêu cực lấn át mình mà đánh mất đi nhiều cơ hội. Dưới đây là một số chia sẻ Tìm Việc Nhanh muốn gửi gắm đến bạn, hãy theo dõi và áp dụng cho mình ngay nhé.

1. Đừng cho rằng bạn là người tiếp theo

Hiệu suất và uy tín của người trực tiếp quản lý bạn tại công ty không đồng nghĩa là họ đại diện cho chính bạn. Ngay cả khi người quản lý của bạn dường như đang làm tốt công việc, bạn cũng không thể biết được khía cạnh nào trong phong cách của họ không phù hợp với cách lãnh đạo cấp cao của công ty.  Do đó, không có lý do gì để cho rằng bạn sắp bị sa thải chỉ vì sếp của bạn gặp số phận đó, vì vậy hãy tiếp tục công việc của bạn như thường lệ và đừng vội về nhà để viết lại sơ yếu lý lịch của bạn.

Phải-làm-gì-khi-người-quản-lý-trực-tiếp-của-bạn-bị-sa-thải-hình-ảnh-1.jpg

Không có lý do gì để cho rằng bạn sắp bị sa thải chỉ vì sếp của bạn gặp số phận đó

2. Tạo cơ hội mới cho bản thân

Nếu bạn thích người quản lý của mình thì thật khó để chấp nhận rằng hai người sẽ không được làm việc chung với nhau nữa. Nhưng trên thực tế, giờ đây bạn có cơ hội gây ấn tượng với những người khác trong doanh nghiệp thậm chí là các cán bộ cấp cao trong doanh nghiệp. Vì vậy, hãy sử dụng giai đoạn chuyển tiếp này để trình bày ý tưởng mới và chịu trách nhiệm về các công việc mà người quản lý trước kia của bạn từng làm. Bạn càng thực hiện nhiều bước để được chú ý, cơ hội phát triển cho bạn càng cao.

3. Giữ liên lạc

Nếu bạn có một mối quan hệ tốt với người quản lý cũ của mình thì hãy giữ liên lạc với họ cho dù hai người không còn làm việc chung với nhau nữa. Tất nhiên, bạn nên để cho sếp của mình một thời gian thoải mái sau khi bị sa thải, vì vậy đừng gọi điện thoại hoặc gửi email ngay lập tức. Thay vào đó, bạn hãy đợi khoảng một tuần để liên lạc với họ. Rất có thể những mối quan hệ như thế này sẽ giúp ích cho bạn về sau đấy, chẳng hạn như bạn được giới thiệu một cơ hội làm việc tốt hơn từ người chủ cũ của mình chẳng hạn.

Phải-làm-gì-khi-người-quản-lý-trực-tiếp-của-bạn-bị-sa-thải-hình-ảnh-2.jpg

Giữ liên lạc với người quản lý cũ của bạn

Việc sếp của bạn bị sa thải có thể khiến bạn rơi vào tình thế khó xử nhưng đừng cho rằng sự nghiệp của chính bạn sẽ bị tiêu diệt nếu điều đó xảy ra. Thay vào đó, hãy tự đứng dậy và tiếp tục làm tốt nhất có thể, và biết đâu người quản lý mới của bạn còn tuyệt vời hơn người cũ thì sao?