Những từ khóa sáo rỗng nên tránh khi viết CV

Những từ khóa sáo rỗng nên tránh khi viết CV

Ứng viên khi viết CV thường liệt kê nhiều từ khóa liên quan đến phần mô tả công việc với hy vọng có thể đáp ứng được các yêu cầu từ phía người sử dụng lao động. Nhưng thực tế thì những lời sáo rỗng và không có mục đích đó lại ngăn bạn thể hiện đầy đủ năng lực và trình độ của mình trong mắt nhà tuyển dụng. Dưới đây là những cụm từ mà ứng viên nên tránh khi viết CV xin việc.

nhung tu khoa sao rong nen tranh khi viet cv

Cần tránh những từ khóa nào trong CV để gây ấn tượng tốt?

1. "Đam mê"

Thống kê cho thấy "Đam mê" là một trong những từ khóa thông dụng nhất mà ứng viên sử dụng trong CV xin việc. Việc sử dụng từ này không sai, nhưng cần đảm bảo rằng niềm đam mê đó của bạn thực sự liên quan đến vị trí ứng tuyển.

2. "Kỹ năng giao tiếp - nói và viết tốt"

Việc đề cập cụm từ "kỹ năng giao tiếp tốt" trong CV đã trở nên rất phổ biến. Thực tế, việc trích dẫn các từ khóa như vậy cũng không đem lại nhiều hiệu quả. Lý do là vì kỹ năng giao tiếp bằng văn bản của ứng viên sẽ được đánh giá ngay lập tức thông qua cách họ giao tiếp với nhà tuyển dụng bằng CV xin việc. Về phần kỹ năng nói, ứng viên có thể trình bày dẫn chứng liên quan đến các cuộc họp mình đã chủ trì, những cuộc nói chuyện đã đề xuất hoặc cách xử lý các tình huống khó khăn với khách hàng.

3. "Ứng viên lý tưởng"

Nhiều ứng viên không ngần ngại khẳng định mình là một "ứng viên lý tưởng" trong CV xin việc. Tuy nhiên ranh giới giữa sự tự tin và kiêu ngạo là rất nhỏ. Vì thế nếu đã dám đưa ra khẳng định như vậy, bạn cần chứng minh mình thực sự là một ứng viên tiềm năng bằng kinh nghiệm và kiến thức mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Ngược lại, nếu chưa có quá nhiều kinh nghiệm và năng lực làm việc còn hạn chế, tốt hơn hết bạn nên trình bày cách khắc phục thiếu sót và cho nhà tuyển dụng thấy sự tiến bộ của bạn.

4. "Có thể làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả"

Nhà tuyển dụng thường không có ấn tượng tốt với những ứng viên cố gắng che giấu điểm yếu của mình để đánh bóng cho CV xin việc. Thay vì chỉ nói suông rằng mình có khả năng "làm việc độc lập và làm việc nhóm tốt" để hy vọng đáp ứng đủ các tiêu chí của công việc, ứng viên hãy đưa ra những minh chứng về các thành quả đã đạt được khi làm việc dưới 2 hình thức này.

5. "Năng động"

Không phải ai cho rằng mình năng động cũng thật sự là một người tràn đầy năng lượng khi làm việc. Có rất nhiều ứng viên ghi chú những từ khóa như vậy trong CV một cách khá máy móc mà không hiểu thực sự ý nghĩa của việc "năng động" tại nơi làm việc là như thế nào. Và thay vì chỉ bổ sung từ khóa "năng động" vào CV, tốt hơn hết ứng viên nên trình bày chi tiết cách mình đã giúp công ty cũ cải thiện hiệu suất làm việc như thế nào và đâu là các bước bạn đã thực hiện để tự học hỏi và phát triển kiến thức cũng như kỹ năng của mình.

6. "Có động lực làm việc"

Động lực làm việc của một nhân viên thể hiện ở thành quả mà họ đem lại cho công ty. Một người chỉ biết nói mình là nhân viên biết cách khơi dậy nguồn hứng khởi khi làm việc thường sẽ bị coi là lười biếng và thực chất chẳng có hứng thú gì với công việc. Để có được sự tin tưởng từ nhà tuyển dụng, bạn cần chứng minh được mình đã lấy những nguồn cảm hứng làm việc như thế nào, từ đâu và đã phát huy hết tiềm năng của mình ra sao.

nhung tu khoa sao rong nen tranh khi viet cv 2

Một số từ khóa cần tránh để CV ngắn gọn, súc tích, hiệu quả

7. "Tôi thích đi du lịch..."

Khi nói về sở thích của bản thân, hãy đảm bảo bạn đề cập đến những hoạt động nổi bật và liên quan trực tiếp đến công việc đang ứng tuyển. Chẳng hạn, nếu bạn điều hành một câu lạc bộ sách, hoặc chơi nhạc cụ thật sự xuất sắc, hãy đề cập những sở thích này trong CV. Lý do là vì để thực hiện được những việc đó, bạn cần phải có những phẩm chất nhất định mà nhà tuyển dụng nào cũng muốn tìm kiếm. Ứng viên không nên liệt kê các sở thích mà ai cũng có thể nói đến như đọc sách, du lịch, v.v. để tránh khiến CV trở nên dài dòng.

Có thể nói rằng giao tiếp dù dưới bất kỳ hình thức nào - nói hay viết cũng đều là một nghệ thuật. Giao tiếp một cách hoàn hảo, không thừa lấy một từ, hay một câu chữ là việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, các ứng viên có thể rèn luyện để khả năng truyền tải nội dung, đặc biệt là CV xin việc của mình trở nên thuyết phục hơn trong mắt nhà tuyển dụng.