Những dấu hiệu cho thấy bạn đã chán ngán với công việc hiện tại

Những dấu hiệu cho thấy bạn đã chán ngán với công việc hiện tại

Không chỉ riêng gì sáng Thứ Hai, cảm giác chán chường khi nghĩ đến việc đi làm dường như sẵn sàng ập đến bất kỳ lúc nào. Nếu bạn đang trong tình trạng này, hãy kiểm tra ngay các dấu hiệu dưới đây để tìm ngay thuốc chữa cho căn bệnh mang tên “chán việc”.

Đa số chúng ta đều mong muốn có được một bến đỗ ổn định khi đi làm, công việc vừa phải, mức lương hợp lý, phúc lợi vô biên, cơ hội triền miên… Không ai ưa thích việc nay đây mai đó, đi làm được hai ba hôm đã phải F5 trang tuyển dụng để tìm kiếm một cánh cửa nhanh chóng nhảy việc. Thế nhưng, cuộc đời đưa đẩy, sẽ có những lúc những nơi làm việc bạn từng cho rằng là điểm đến cuối cùng lại khiến bạn cảm thấy thất vọng và chán nản. Kết quả là bạn mỗi ngày đi làm trong trạng thái chán chường và trong đầu bạn thì lúc nào cũng chực chờ duy nhất một suy nghĩ: Hay là nghỉ việc quách cho rồi?!

Nếu bạn đang có những nhận định tiêu cực như thế về công việc hiện tại thì khả năng thôi việc của bạn là vô cùng cao. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, hãy xem thử những dấu hiệu dưới đây để biết tình trạng “phát bệnh” chán việc của bạn đến giai đoạn nào rồi nhé:

 

Ngồi công ty và xem đồng hồ liên tục

Một nhân viên bận rộn và đam mê với công việc sẽ thường quên luôn cả giờ giấc hàng ngày bởi có quá nhiều việc để xử lí. Nhưng với bạn thì không! Bạn là người luôn biết khi nào đến bữa trưa, khi nào đến giờ order đồ ăn buổi chiều, và còn mấy tiếng nữa thì tắt lap, đứng lên xách giỏ ra về. Việc trả lời email, tham gia các cuộc họp dường như làm bạn càng ngày càng mất kiên nhẫn. Bạn luôn cầm điện thoại lên xem thời gian và đặt xuống trong vô thức. Đây chính là dấu hiệu khởi đầu cho căn bệnh chán việc của bạn.

Nếu công việc bạn chịu trách nhiệm hàng ngày đang quá ít, không có nhiều tính thử thách hoặc đơn giản chỉ là những việc vặt, hãy chủ động liên hệ với sếp ngay để được thử sức với những điều mới mẻ, hấp dẫn hơn. Hoặc nếu sếp bạn quá bận rộn để quan tâm đến bạn, hãy xem một vòng văn phòng để biết có nhóm dự án, đồng nghiệp nào bận đến “sấp mặt”, dò hỏi ý kiến và đề nghị hỗ trợ họ những gì trong khả năng của bạn. Phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Đừng để cảm giác buồn tẻ vì “Không có gì để làm” ở công ty khiến bạn dần chán ngán công việc bạn đang đảm nhận.

 

Làm gì chi bằng làm biếng

Một tình trạng thứ hai ở vào giai đoạn giữa của căn bệnh “chán việc” đó là cho dù công việc có nhiều cơ hội hấp dẫn, cạnh tranh, bạn cũng đã chán đến mức luôn tìm cách tránh né trách nhiệm đảm nhận các nhiệm vụ này. Bạn chỉ muốn mỗi ngày đi làm lướt facebook đủ 8-10 tiếng rồi ra về, cuối tháng nhận lương đều đều. Bạn thường tìm lý do để phó thác nhiệm vụ lại cho những đồng nghiệp khác hoặc từ chối tham gia các cuộc họp quan trọng. Trong từ điển của bạn hiện tại đã không còn hai chữ “OT”. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi được liệt kê vào đội ngũ đảm nhận một kế hoạch lớn nào đó sắp đến của công ty.

Những dấu hiệu cho thấy bạn đã chán ngán với công việc hiện tại

Nếu cảm thấy bản thân đang “làm biếng” mỗi ngày, hãy thử đặt câu hỏi cho bản thân để tìm ra nguyên nhân thật sự vì sao bạn lại có biểu hiện “lười nhác”. Nếu nguồn gốc đến từ chính sách công ty, bạn nên có một cuộc trao đổi thẳng thắn với sếp. Nếu nguyên cớ nằm ở bạn, hãy thử nộp đơn nghỉ phép vài ngày để thư giãn đây đó, lấy lại động lực với công việc hiện tại.

 

Sợ đi làm hơn cả sợ thất nghiệp

Bạn có đang xem công việc hiện tại như một cơn ác mộng mà bạn nỗ lực vùng vẫy tỉnh giấc? Một dấu hiệu rõ ràng nhất là không chỉ riêng gì thứ Hai, mỗi sáng thức dậy bạn đều trong trạng thái muốn tìm lý do thoái thác để không phải đi làm. Bạn trì hoãn việc phải tỉnh dậy, mặc đồ, di chuyển đến công ty. Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi khi bắt đầu một ngày mới thay vì hăm hở dồi dào năng lượng như thuở ban đầu. Bạn cần nạp ngay một cốc café để duy trì hoạt động cho cả một ngày dài. Nghĩ tới việc đi làm, bạn chỉ muốn thở dài ngao ngán.

Trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn, hãy cố gắng điều chỉnh lại tâm lí tiêu cực của bạn khi nghĩ về công việc. Tìm ra một động lực để bạn đi làm mỗi ngày, có thể thậm chí đó chỉ là một bữa trưa với đồng nghiệp X, một dự án cần hoàn thành hay chỉ đơn giản là để “khoe” trang phục công sở hàng ngày. Ngoài ra, bạn cũng cần bắt đầu học cách ngủ sớm, dậy sớm, dành thời gian cho việc vận động buổi sáng để cảm thấy thoải mái hơn khi chào ngày mới. Bạn có thể trau dồi thêm một kĩ năng nào đó mình mong muốn bên ngoài để vừa giảm áp lực, vừa làm giàu cho bản thân.

 

Bắt đầu trạng thái đứng núi này trông núi nọ

Biểu hiện rõ nhất và cũng là giai đoạn cuối của căn bệnh “chán việc” chính là trong lòng luôn nhen nhóm tìm kiếm một công việc mới “ngon nghẻ” hơn. Biểu hiện của việc này đó là bạn thường xuyên F5, lướt các trang web tuyển dụng yêu thích như Vietnamworks để trông ngóng các cơ hội mới. Bạn khấp khởi khi thấy một email tuyển dụng hoặc có một cuộc gọi từ số máy lạ nào đó. Bạn chăm chỉ cập nhật LinkedIn đều đặn hơn cả viết status Facebook. Và tình trạng nặng nhất chính là bạn đã chuẩn bị đầy đủ một bộ CV hoàn chỉnh, kèm theo cover letter để sẵn sàng “rải” đi bất kỳ vị trí trống nào hấp dẫn trên thị trường tuyển dụng.

Nếu bạn đã “kinh” qua tất cả mọi dấu hiệu trên đây, bạn cần phải nhìn nhận lại ngay tình trạng công việc hiện tại của mình, tìm ra nguyên nhân khiến bạn bỗng dưng muốn buông bỏ. Nếu thật sự không còn cách nào khác, hãy suy nghĩ đến việc tìm một luồng gió mới cho bản thân. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng không có một công việc nào là hoàn hảo trọn vẹn, thỏa mãn 100% những gì bạn đang mong muốn. Đôi khi việc học cách chấp nhận và tìm cách để thay đổi mọi thứ theo hướng tích cực hơn mới chính là liều thuốc hữu hiệu nhất bạn đang cần.

 

— HR Insider —
RaoXYZ – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam