Nhảy việc liên tục chỉ vì "đó không phải là công việc tôi thích" - Hãy thức tỉnh ngay trước khi quá muộn

Nhảy việc liên tục chỉ vì "đó không phải là công việc tôi thích" - Hãy thức tỉnh ngay trước khi quá muộn

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, số lần nhảy việc của bạn đã vượt quá mười đầu ngón tay. Chỉ cần cảm thấy công việc không phù hợp ở một vài điểm, bạn lại bắt đầu hành trình tìm kiếm “chân ái” mới cho mình. Thành công liệu có đến với bạn trong 5 năm tới hay sau tất cả, những gì bạn có chỉ là những công việc nhất thời “sớm nở tối tàn”?

Nhiều người trẻ thường ỷ lại vào thanh xuân của mình để phung phí trong việc theo đuổi đam mê. Có một đam mê là điều tuyệt vời, nhưng sẽ là điều đáng sợ nếu sau cùng, những gì bạn còn lại chỉ có mỗi đam mê! Nếu bạn đã tìm được điều mình yêu thích, hãy lập ngay một kế hoạch để theo đuổi lâu dài. Còn nếu hiện tại bạn vẫn mãi chênh vênh không biết bản thân yêu thích công việc nào, trước mắt hãy cố gắng tìm kiếm sự yêu thích trong những gì bạn đang làm. Nhảy việc liên tục đôi khi chưa chắc là một lựa chọn đúng đắn dành cho bạn. Bạn có bao giờ nghĩ rằng, sau n lần nhảy việc như thế, vì sao bạn mãi vẫn không thể chọn được công việc mà bạn yêu thích?

 

“Tôi không thích công việc này!”

Rất nhiều người yêu cầu khi tìm việc là bản thân cảm thấy có hứng thứ, hay là thích công việc đó. Nhưng vấn đề là, mỗi người lại có một định nghĩa khác nhau về sự yêu thích. Có người chỉ bị thu hút bởi sự mới mẻ, thú vị của một công việc, một lĩnh vực họ chưa bao giờ thử sức. Dần dần, khi sự mới mẻ qua đi, họ lại đi chiếc vòng luẩn quẩn của câu chuyện nên đi hay nên ở. Có người xem việc yêu thích một công việc, trước hết phải là yêu thích và hòa hợp với môi trường văn hóa, đồng nghiệp ở đó. Thế nhưng, môi trường trái ngược với những gì họ tưởng tượng, đồng nghiệp “mạnh ai nấy sống”, xã giao qua loa chứ không thân thiết “chị chị em em” như ở công ty cũ. Thế là họ lại bắt đầu lâm vào chán nản và cảm thấy không thể hòa nhập!

Có người lại cho rằng, nếu như bản thân cứ mãi dặm chân tại một công ty với công việc mà mình không thật sự hứng thú, thì đến bao giờ mới trải nghiệm hết những thứ hấp dẫn ngoài kia? Tâm lý “kén cá chọn canh”, “đứng núi này trông núi nọ” cứ thế ăn mòn suy nghĩ của mỗi người. Ta cứ mải miết theo đuổi những công việc ta cho rằng sẽ tốt hơn cái cũ, trải nghiệm nhiều hơn nơi cũ, nhưng lại quên rằng, nơi đâu cũng sẽ có những “hạt sạn” của riêng mình.

 

“Rồi một ngày, bạn nhận ra bạn chẳng yêu thích một công việc nào!”

Kết cục của một người muốn tất cả sẽ như thế nào? Đó là họ sẽ chẳng có được thứ gì! Khi bạn bị bủa vây bởi quá nhiều công việc bạn thấy hứng thú, bạn mong muốn thử sức với hy vọng sẽ tìm ra thứ mình yêu thích nhất. Thế nhưng, có thể bạn không biết rằng, nghịch lý của những sự lựa chọn nằm ở chỗ, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được đâu là thứ bạn yêu thích nhất. Giống như bạn dự định sẽ mua một chiếc áo thời trang ở cửa hàng A, nhưng khi ra đến cửa hàng A, quá nhiều sự lựa chọn hấp dẫn làm bạn quên đi mục đích mua áo ban đầu. Bạn chọn ra về với chiếc áo ấy hay những chiếc quần jeans, váy xinh bên cạnh?

Nhảy việc liên tục chỉ vì "đó không phải là công việc tôi thích" - Hãy thức tỉnh ngay trước khi quá muộn

Thế là bạn sẽ rơi vào chiếc bẫy mang tên đam mê, mãi mãi bị mắc kẹt trong mớ suy nghĩ “Tôi thích gì?”, “Công việc này chưa phải điều tôi thích”, “Tôi không phù hợp với vị trí này”… Thêm nhiều lần nhảy việc nữa, liệu bạn có chắc mình sẽ tìm thấy bến đỗ cuối cùng? Rồi một ngày, bạn nhận ra bạn sẽ chẳng yêu thích thật sự một công việc nào! Trong khi bạn đang mải loay hoay giữa những điều thích và không thích, phung phí tuổi trẻ cho những ước mơ không có kế hoạch, thì cũng có một số khác đã dần ổn định vì họ luôn kiên trì với những gì họ theo đuổi ngay từ khi bắt đầu.

 

“Việc nào cũng có cái khó của nó. Bạn đã biết cách tạo niềm vui?”

Thay vì thất vọng và bỏ cuộc với những lần nhảy việc trong vô vọng, sao bạn không thử cân nhắc đến việc tự tạo hứng thú và niềm vui cho mình trong công việc hiện tại? Bài học đầu tiên bạn cần khuyên nhủ bản thân mình đó là đừng bao giờ đặt kỳ vọng quá cao vào bất kỳ một công việc gì. Việc nào cũng có cái khó của nó. Đừng mong đợi công việc sẽ 100% giống như những gì bạn đã vẽ ra trong đầu.

Sau đó, hãy học cách thích nghi và luôn nhìn vào những điểm tích cực của công việc. Chẳng hạn, bạn chán nản vì môi trường và đồng nghiệp không quá thân thiện. Nhưng điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi những “tin đồn hành lang” không mong muốn, tập trung hơn vào sự nghiệp và có thể, bạn sẽ muốn chủ động bắt chuyện với một vài người thông qua các dự án làm việc chung để hiểu họ hơn. Bạn thất vọng vì công việc không mở ra nhiều cơ hội học hỏi hay quá nhàm chán với những nhiệm vụ cần làm thường ngày? Sao không thử tìm ra những cách giải quyết công việc mới thay vì áp dụng cách làm truyền thống, hoặc chủ động liên hệ với cấp trên để ứng cử bản thân vào những dự án quan trọng hơn? Cơ hội nằm trong tay bạn. Đừng vội nhảy đi nơi khác khi ở đây, bạn vẫn chưa kịp giăng lưới.

Công việc không phải lúc nào cũng được như ý mình mong muốn, vì vậy bạn hãy cố gắng theo đuổi nó, tìm kiếm những mặt tích cực để tạo động lực cho chính mình. Đừng vội từ bỏ quá sớm nếu bạn chưa thật sự tìm mọi cách để yêu thích nó hết mình. Nếu sau khi bạn đã thử áp dụng nhiều cách làm trong một thời gian dài vẫn không thể thích nghi, khi đó bạn có thể cân nhắc đến chuyện đổi sang một môi trường mới. Còn nếu bạn chưa thử thay đổi bản thân để yêu thích công việc hiện tại, bạn sẽ rất khó biết được liệu bạn có thật sự yêu thích công việc này hay không.

Bên cạnh đó, hãy vạch ra cho mình một hướng đi phát triển rõ ràng trong sự nghiệp, xác định đam mê bạn sẽ theo đuổi lâu dài để từ đó chọn cho mình công việc phù hợp nhất. Điều quan trọng nhất, đó là hãy luôn tin rằng, nếu bạn cố gắng và tạo thói quen hài lòng với những gì bạn đang làm mỗi ngày, “quả ngọt” sẽ đợi bạn thu hoạch vào một ngày không xa trên con đường sự nghiệp của chính mình.

 

— HR Insider —
RaoXYZ – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam