Nguy cơ bị thương khi ôtô dùng cửa trượt điện

Nguy cơ bị thương khi ôtô dùng cửa trượt điện

Cửa trượt trên các mẫu ôtô mới hiện nay hầu hết có cơ chế chống kẹt, tuy nhiên tay trẻ em có thể bị thương nếu không cẩn thận.

Đầu tháng 4, Kia tại thị trường Mỹ triệu hồi hơn 50.000 mẫu Carnival (đời 2022-2023) để sửa chữa, sau khi có 9 báo cáo thương tích do bàn tay hoặc cánh tay bị kẹt vì cửa trượt điện. Một số trường hợp tay trẻ em bị thương vì cửa trượt đã được ghi nhận.

Theo Cơ quan an toàn giao thông Mỹ (NHTSA), những thương tích trên bao gồm các vết thâm tím, sưng, rách nhỏ, trầy xước trên phần tay. Ngoài ra, có một vài tình huống trẻ bị kẹp tay ở khung cửa, hoặc gãy ngón cái, nghiêm trọng nhất là một trường hợp gãy cánh tay do cửa đang đóng kẹp trúng.

Thử tính năng chống kẹt trên cửa trượt Kia Carnival
 
 
Thử tính năng chống kẹt trên cửa trượt Kia Carnival

Thử nghiệm tính năng chống kẹt cửa cửa trượt tại Việt Nam. Video: Phạm Hải

Cả Kia và một bên độc lập điều tra đã kết luận phần cửa trượt vẫn hoạt động đúng chuẩn so với thiết kế, và tương tự như những mẫu xe có cửa trượt khác trên thị trường. Cơ cấu chống kẹt trên cửa hoạt động bằng cách nhận biết lực cản (ví dụ tay, cơ thể) khi cửa đóng, nếu lực này quá một ngưỡng nhất định, môtơ cửa trượt đảo chiều, giúp cửa chuyển động theo hướng ngược lại.

Tuy nhiên, phía NHTSA vẫn yêu cầu Kia thực hiện triệu hồi và sửa chữa, bổ sung thêm âm thanh cảnh báo khi cửa đang đóng hoặc mở, giảm tốc độ của cửa khi đến gần lẫy khóa.

Thử nghiệm thực tế trên chiếc Carnival bán tại Việt Nam, phần cửa trượt có tính năng chống kẹt hoạt động tốt khi chèn cả cơ thể người lớn, tức ra vào xe lúc cửa đang đóng. Phần cửa trượt tác động một lực không đủ làm đau lên cơ thể, và cửa tự động đảo chiều nhanh chóng.

Nhưng với những vật cản nhỏ hơn, tác động ở mức độ nặng hơn. Với bàn tay, cánh cửa trượt chèn một lực đủ để in vết hằn trên tay người lớn, gây ra một chút khó chịu, nhưng không đau, và vết hằn biến mất sau một thời gian ngắn. Điều này xảy ra tương tự với phần cửa cốp sau với tính năng chống kẹt. Lực tác động này sẽ không ảnh hưởng đến người lớn, nhưng có thể khiến tay trẻ em bầm, đau hoặc xước.

Chia sẻ về độ an toàn của cửa trượt, cố vấn dịch vụ cho biết hãng không khuyến khích trẻ em sử dụng cửa trượt này, và người lớn cần giám sát kỹ trong suốt quá trình cửa hoạt động. Phần cửa trượt sẽ hơi chèn nhẹ vào cơ thể cho đến khi đủ ngưỡng nhất định, sau đó cửa mới đảo chiều, chứ không phải chạm nhẹ là sẽ đảo chiều như nhiều người nghĩ.

"Nếu cửa trượt hoạt động theo đúng thiết kế, sẽ không xảy ra hiện tượng nghiến chặt khi phát hiện vật cản, mà chỉ chèn nhẹ thôi", cố vấn dịch vụ một đại lý Kia cho biết.

Phần cảnh báo nguy hiểm trên cửa trượt. Ảnh: Phạm Hải

Phần cảnh báo nguy hiểm trên cửa trượt. Ảnh: Phạm Hải

Ngoài ra, ngay trên mép cửa, nhà sản xuất cũng đã dán cảnh báo, nội dung khuyến cáo rằng chủ xe nên đảm bảo không có người hoặc vật thể chặn quanh cửa khi cửa đang hoạt động, không để trẻ em hoặc thú nuôi lại gần nút đóng/mở cửa điện mà không có ai trông coi.

Thử nghiệm với những mẫu xe có cốp điện hay cửa trượt điện khác cho thấy, mức độ phản hồi là không giống nhau. Ví dụ, trên một mẫu xe Nhật khi đóng cốp điện, nếu một người lớn đưa đầu vào chặn, lực đóng cốp sẽ vẫn khiến phần đầu đau nhẹ, sau đó mới dừng hoặc bật ngược lên.

Như vậy, với những xe sử dụng cửa trượt điện, cốp điện, người lớn cần chú ý không để trẻ em sử dụng các bộ phận này, và luôn quan sát để đảm bảo không có những thương tích xảy ra. Trẻ em cũng không nên tự ý sử dụng các loại cửa này, vì có thể vô tình làm cửa đóng, tự nhốt mình trong xe, dẫn tới ngạt khí, khi không có người lớn ở gần.

Phạm Hải