Lựa chọn nghề nghiệp cho nhóm tính cách ENFJ theo trắc nghiệm MBTI

Lựa chọn nghề nghiệp cho nhóm tính cách ENFJ theo trắc nghiệm MBTI

Thông qua bài trắc nghiệm tính cách MBTI, bạn sẽ hiểu rõ hơn về tính cách của mình.

Làm trắc nghiệm MBTI

Khác với những nhóm tính cách mà ưu và nhược điểm, thế mạnh và hạn chế khá rõ ràng thì tính cách ENFJ lại được xem là một trong những kiểu gần như chẳng có mấy điểm yếu. Sự tự tin, khả năng đồng cảm, tầm nhìn chiến lược nhưng vẫn chú trọng vào cảm xúc của ENFJ vừa thúc đẩy bản thân họ hoàn thiện và thành công, đồng thời cũng tạo nên nguồn cảm hứng và động lực cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp.

tinh cach enfj

Những đặc điểm của nhóm tính cách ENFJ

I. Nhóm tính cách ENFJ là gì? Các đặc điểm chính

1. Nhóm tính cách ENFJ là gì?

ENFJ là viết tắt của Extraverted, iNtuitive, Feeling, Judging. ENFJ là những người sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng khi dành thời gian cho người khác (Hướng ngoại), người tập trung vào các ý tưởng và khái niệm hơn là sự kiện và chi tiết (iNtuitive), người đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc và giá trị (Cảm xúc) và thích được lập kế hoạch hơn là tự phát và linh hoạt (Đánh giá). ENFJ đôi khi được coi là nhân cách của Người Hướng dẫn vì họ quan tâm đến việc giúp đỡ người khác phát triển và trưởng thành.

Những người thuộc kiểu tính cách ENFJ là những nhà tổ chức theo chủ nghĩa lý tưởng, có tầm nhìn, tư duy chiến lược hướng tới những điều tốt đẹp cho nhân loại. Họ thường đóng vai trò là chất xúc tác vì khả năng nhìn thấy tiềm năng ở người khác và sức lôi cuốn cũng như tài năng thuyết phục. ENFJ tập trung vào các giá trị và tầm nhìn, thích những công việc có thể truyền cảm hứng và lan tỏa giá trị cho mọi người.

Cả trong cuộc sống và công việc, ENFJ thường tràn đầy năng lượng và năng động. Họ có khả năng điều chỉnh tốt theo nhu cầu của người khác, nhạy cảm với cảm xúc, nỗi đau của mọi người. Dù vậy, họ vẫn lạc quan và có tư duy cầu tiến, có trực giác nhạy bén để tìm ra các cơ hội. Những người thuộc nhóm tính cách ENFJ có tham vọng, nhưng tham vọng của họ không phải là để phục vụ bản thân mà thay vào đó, họ cảm thấy có trách nhiệm cá nhân trong việc biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. ENFJ có lòng vị tha và sự đồng cảm sâu sắc đối với người khác.

2. ENFJ trong mắt những người xung quanh

Đối với mọi người, ENFJ có thể là những người hướng dẫn, những giáo viên bẩm sinh. Họ thích giúp đỡ, định hướng và dẫn dắt, sẵn sàng đứng lên phụ trách trong các tình huống bất ngờ, xử lý công việc dựa trên kinh nghiệm và trải nghiệm. Tính cách ENTJ cũng cho phép họ tin vào tiềm năng của con người bằng trực giác. Thông qua trái tim ấm áp và sức lôi cuốn, ENTJ sẽ khuyến khích mọi người chủ động phát triển bản thân. Họ thường năng động và làm việc hiệu quả, tràn đầy năng lượng khi dẫn dắt người khác khám phá kiến thức mới.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng sẽ ngưỡng mộ ở ENFJ kỹ năng giao tiếp tốt. Họ có tài sử dụng ngôn từ để kết nối với mọi người, hiểu biết, hóm hỉnh và thích nói về các mối quan hệ. ENTJ có khả năng thấu cảm, đối khi bày tỏ sự quan tâm quá mức với mọi người. Họ không thích cảm xúc tiêu cực và có thể thấy kiệt sức nếu có quá nhiều cảm xúc tiêu cực xung quanh.

tinh cach enfj 2

ENFJ được những người xung quanh đánh giá như thế nào?

3. Mức độ phổ biến của nhóm tính cách ENFJ

Tính cách ENFJ là một trong những nhóm tính cách ít phổ biến trong dân số, đặc biệt là đối với nam giới. Trong số nam giới, ENFJ là loại hiếm thứ 2. ENFJ chỉ bao gồm khoảng 3% dân số, chiếm 3% phụ nữ và 2% nam giới.

4. Những người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách ENFJ

  • Oprah Winfrey (MC, nhà sản xuất, nhà văn).
  • Pope John Paul II (Đức Giáo hoàng).
  • Maya Angelou (Nhà thơ).
  • Margaret Mead (Nhà nhân loại học văn hóa Mỹ).
  • Ralph Nader (Nhà hoạt động chính trị, giáo sư, tác giả viết sách).
  • Abraham Maslow (Nhà tâm lý học).
  • Dr. Phil McGraw (MC truyền hình, tác giả viết sách).
  • Martin Luther King, Jr (Cựu bộ trưởng Mỹ, nhà lãnh đạo phong trào vì nhân quyền).

II. Thế mạnh và điểm yếu của những người thuộc nhóm tính cách ENFJ

1. Điểm mạnh của ENFJ

  • Người hòa giải: Những người thuộc kiểu tính cách ENFJ sẽ không chỉ làm việc để thúc đẩy sự hòa hợp mà còn cố gắng làm giảm bớt các xung đột tiềm ẩn. Họ khéo léo trong việc thuyết phục mọi người hòa hảo, đi đúng hướng. ENFJ coi các mối quan hệ tích cực là nền tảng để duy trì một xã hội tốt đẹp.
  • Giao tiếp và tương tác xuất sắc: Một trong nhiều chìa khóa dẫn đến thành công của nhóm tính cách ENFJ là khả năng giao tiếp không chỉ ở mức độ cá nhân mà còn cả tương tác qua nhiều phương tiện truyền thông. Họ có biệt tài trong việc tạo ra những ý tưởng, thích viết lách, nói chuyện và kể chuyện. Dĩ nhiên, với những nội dung thú vị, ENFJ luôn thu hút người khác. Họ có thể thấy thoải mái cả trong các nhóm nhỏ cũng như trước công chúng và sẽ thấy có động lực khi gặp những người nhiệt huyết.
  • Khả năng thuyết phục: ENFJ được biết đến với khả năng thuyết phục nhưng họ làm điều đó với mục đích tử tế, hiếm khi dùng để thao túng hay thu lợi cá nhân. Giỏi giao tiếp, thuyết trình, giải thích và đàm phán, những người có tính cách ENFJ dễ thành công, thường được đánh giá là dễ mến và đáng tin cậy, nhiều người ủng hộ và nghe theo, làm theo họ.
  • Kỹ năng lãnh đạo: Bên cạnh đó, ENFJ cũng có năng lực để xây dựng những vòng kết nối xã hội của riêng mình. Họ giỏi lập kế hoạch và tìm kiếm cơ hội để mọi người gắn kết với nhau. Kỹ năng lãnh đạo đồng thời giúp ENFJ đảm bảo rằng họ có thể khiến người khác tham gia vào các sự kiện, công việc họ đang tổ chức và lãnh đạo. Việc giảng dạy và cố vấn là bản năng của ENFJ nên họ làm rất tốt trong các công việc giáo dục, đào tạo và quản lý.

2. Điểm yếu của ENFJ

  • Lao vào công việc khi chưa phân tích kỹ càng: Đam mê và cứng cỏi, những người thuộc kiểu tính cách ENFJ có xu hướng lao đầu vào công việc trước mà không kiểm tra hoặc khảo sát tất cả các nguồn lực hay yêu cầu. Bản chất Trực quan của họ là thứ tốt nhất trong số họ và họ khá chắc chắn rằng họ đã tìm ra tất cả; họ có thể không quan tâm đến những chi tiết cần thiết và quan trọng.
  • Dễ bị quá tải: Mặc dù tính cách ENFJ có thể làm việc tốt nhất khi đối diện với áp lực vừa phải nhưng họ cũng dễ bị choáng ngợp, đưa ra nhiều lời hứa hẹn và cam kết khi phát hiện ra những cơ hội. Sự quá tải của ENFJ chủ yếu là vì họ muốn có được, muốn làm được nhiều nhất có thể. Kết quả là họ có thể vì cùng lúc tham nhiều việc mà bỏ dở hầu hết.
  • Thiếu quyết đoán: Không chỉ vậy, khi buộc phải đưa ra quyết định, những người có kiểu tính cách ENFJ dễ phải vật lộn vì thiếu quyết đoán, nhất là khi họ phải đối diện với các thông tin khô khan, thiếu yếu tố con người. Tính logic, khả năng lập luận phi cá nhân và kết luận dựa trên dữ liệu có thể là những điểm yếu "chết người" của ENFJ. Họ được ca ngợi vì sự nhân ái nhưng đồng thời cũng dễ trở nên chủ quan vì bản chất, ENFJ là người ưu tiên nhu cầu của cá nhân.
  • Quá vị tha: Bởi vì ưu tiên mọi người và nhu cầu của người khác, ENFJ có thể không quan tâm đủ đến cảm xúc của chính mình. Họ có thể lờ đi nhu cầu hoặc nguyện vọng của bản thân vì sợ rằng nếu như nói ra, họ sẽ tạo ra xung đột hoặc làm mất đoàn kết. Đây cũng là một điểm hạn chế trong tính cách của ENFJ vì ngay cả khi họ được nhiều người yêu quý thì vẫn rất cô đơn, dễ bị hiểu lầm.

tinh cach enfj 3

Ưu và nhược điểm của nhóm tính cách ENFJ

III. Lựa chọn nghề nghiệp cho ENFJ

Tại nơi làm việc, ENFJ có thể lan tỏa năng lượng tích cực, hỗ trợ và giúp đỡ những người khác thay đổi tích cực, đạt được thành công. Họ là những người nhiệt tình, khéo léo trong giải quyết vấn đề, nhất là các tình huống có thể vận dụng tốt trực giác. Bên cạnh đó, những người thuộc kiểu tính cách ENFJ cũng luôn cố gắng hợp tác và làm việc tốt nhất trong một môi trường hài hòa. Họ thường đảm nhận vai trò cố vấn, đặt mục tiêu chính là giúp đồng nghiệp trở nên xuất sắc hơn trong những việc họ làm.

Thực tế, ENFJ thích vai trò lãnh đạo và cũng thường thành công khi đảm nhiệm các vai trò quản lý. Họ có tầm nhìn xa trông rộng trong công việc và thích được sử dụng khả năng sáng tạo của mình để phát triển các sáng kiến ​​cải tiến. ENFJ đánh giá cao tinh thần đồng đội và họ muốn có các nguồn lực tổ chức để đưa ý tưởng vào hành động thực tiễn. Môi trường làm việc lý tưởng cho tính cách ENFJ là hướng tới tương lai và lấy con người làm trung tâm, với sứ mệnh nhân đạo rõ ràng và tập trung vào hành động mang tính xây dựng.

Để lựa chọn chính xác nghề nghiệp, ENFJ nên cân nhắc dựa trên sở thích, đồng thời nhìn vào thế mạnh cũng như điểm yếu của mình. Bạn có thể làm tốt trong các vai trò cho phép tương tác, giao tiếp như truyền thông, giáo dục,... nhưng có thể gặp khó khăn đối với nghề nghiệp yêu cầu tính chính xác cao hoặc cần tuân thủ nguyên tắc, có phần hơi gò bó như kế toán, kiểm toán hay kỹ sư.

1. Những công việc phù hợp nhất cho ENFJ

Những người có kiểu tính cách ENFJ có thể phù hợp nhất và phát triển sự nghiệp tốt nhất trong các lĩnh vực, vai trò như là:

  • Công tác xã hội và dịch vụ công: Chuyên viên hòa giải, nhân viên công tác xã hội, tư vấn nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp...
  • Truyền thông đa phương tiện, ngôn ngữ: Biên tập viên, biên - phiên dịch, nhiếp ảnh gia, chuyên viên PR, quảng cáo, biên kịch,...
  • Giáo dục đào tạo: Giáo viên, giảng viên, quản lý giáo dục, hiệu trưởng,...
  • Kinh doanh, bán hàng, hành chính nhân sự: Nhân viên HR, quản lý nguồn nhân lực, tư vấn bảo hiểm, môi giới bất động sản, tiếp viên hàng không, chuyên viên tuyển dụng, chuyên viên phân tích tài chính, chuyên viên đào tạo, nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng,...
  • Giải trí, nghệ thuật và thiết kế: Diễn viên, nhà sản xuất, đạo diễn, thiết kế nội thất, cắm hoa nghệ thuật, kiến trúc sư cảnh quan,...
  • Dịch vụ và chăm sóc cá nhân: Chuyên viên thẩm mỹ, bảo mẫu, HLV thể hình,...
  • Nghiên cứu khoa học: Tâm lý học, xã hội học, quy hoạch đô thị, nghiên cứu sử học, khảo cổ học,...
  • Luật: Luật sư, nhân viên hòa giải,...
  • Chăm sóc sức khỏe: HLV thể thao, nha sĩ, y tá, chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu,...
  • Hành chính văn phòng: Đại diện bộ phận dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng, nhân viên lễ tân, trợ lý, thư ký,...

2. Các nghề nghiệp mà ENFJ nên tránh

Những nghề nghiệp cần kỹ năng kỹ thuật, ít giao tiếp, yêu cầu khả năng tập trung và tính chính xác cao độ sẽ ít phù hợp với nhóm tính cách ENFJ, ví dụ như:

  • Thợ mộc.
  • Thợ điện.
  • Thợ cơ khí.
  • Giám sát sản xuất.
  • Kỹ sư hệ thống.
  • Kiểm toán viên.
  • Quân sự.
  • Lập trình viên,...

Tinh cach ENFJ Nhom tinh cach ly tuong co co hoi thanh cong trong nhieu linh vuc

Lời khuyên lựa chọn nghề nghiệp cho những ai thuộc nhóm tính cách ENFJ

3. Khả năng làm việc nhóm (teamwork) của ENFJ

Trong môi trường làm việc nhóm, ENFJ là những thành viên hợp tác, truyền cảm hứng, quan tâm đến công việc và mức độ phối hợp của mọi người. Họ có thể sẵn sàng đảm nhiệm công việc, cũng coi các mối quan hệ là nền tảng. Họ có thể hiểu nhu cầu và ưu tiên của người khác dựa vào khả năng quan sát tinh tế và sự nhạy bén, dựa vào đó để xây dựng sự đồng thuận. Những người thuộc nhóm tính cách ENFJ cũng có sự nhiệt tình bẩm sinh và có xu hướng thu hút các thành viên trong nhóm tham gia, ủng hộ quan điểm của họ.

Bởi vì hướng đến sự hợp tác nên ENFJ có nguy cơ làm việc nhóm kém hiệu quả trong những nhóm quá cạnh tranh, xung đột. ENFJ có thể bỏ qua việc đánh giá khách quan chỉ vì muốn mọi người dừng tranh cãi. Nhìn chung, khi làm việc nhóm, tính cách ENFJ cần phải tập trung vào nhiệm vụ hiện tại, tránh dành quá nhiều thời gian để cố vấn và khuyến khích người khác đến nỗi quên mất mục tiêu hàng đầu.

4. ENFJ trong vai trò leader, quản lý

Đảm nhiệm các vai trò quản lý, lãnh đạo, ENFJ rất nhiệt tình, hỗ trợ và định hướng hành động cho nhân viên. Họ là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ với ý tưởng rõ ràng về cách thay đổi, điều chỉnh quy trình cũng như hành động để lãnh đạo cả bộ phận làm việc hiệu quả hơn. Những nhà quản lý có kiểu tính cách ENFJ tự tin vào sứ mệnh của mình nhưng họ cũng thường cân bằng định hướng mục tiêu của bản thân với việc tập trung vào các cá nhân khác. ENFJ thân thiện và rất giỏi thúc đẩy, tạo động lực cho nhân viên.

Mặc dù ENFJ thường thích lãnh đạo, tuy nhiên, họ có thể trở nên chán nản trong môi trường có xung đột đang diễn ra. Họ muốn được đánh giá cao và sẽ muốn từ bỏ nếu mắc kẹt ở các vị trí không đạt được thành tựu, đồng thời các ý tưởng và giá trị họ theo đuổi không được coi trọng.

IV. ENFJ trong các mối quan hệ

1. Phong cách giao tiếp của ENFJ

Về cơ bản, những người thuộc nhóm tính cách ENFJ hầu như đều là người có khả năng giao tiếp tốt, ấm áp, giàu lòng nhân ái, thể hiện sự nhiệt tình với mọi người. Họ muốn hiểu những ưu tiên của người khác và điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Không chỉ vậy, ENFJ còn sẵn sàng khẳng định và ủng hộ để đối phương cảm thấy được cổ vũ. Họ giỏi kết nối với nhiều người và rất sáng tạo khi cần đưa ra các giải pháp.

2. Những nhóm tính cách hợp với ENFJ

  • Thấu hiểu, hòa hợp với nhau: INFJ, ESFJ, ENFP, ENFJ là những nhóm tính cách có khả năng sẽ dễ dàng chia sẻ các giá trị, sở thích và cách tiếp cận chung với tính cách ENFJ. Không phải lúc nào họ cũng đều nhất trí về mọi điều nhưng sẽ dễ thân thiết do có nhiều điểm chung.
  • Thu hút lẫn nhau nhờ sự khác biệt: Tính cách ENFJ sẽ thường cảm thấy tò mò, bị thu hút bởi các nhóm tính cách INTJ, INFP, ENTP và ENTJ. Vừa giống nhau lại vừa có những khác biệt, hai bên có tiếng nói chung, cũng có những bất đồng nhưng không đến mức xung đột. Vì vậy, họ cảm thấy đối phương hấp dẫn, thú vị và cũng dễ thân thiết.
  • Bổ sung cho nhau: Ban đầu, ENFJ có thể không cảm thấy có hứng thú làm thân hay trò chuyện, kết nối với những người có kiểu tính cách ISFJ, INTP, ESTJ và ESFP. Chỉ có một số ít điểm chung, hai bên gần như không thấy ở nhau sự thu hút và hòa hợp. Thế nhưng quan hệ của họ vẫn có nhiều tiềm năng để bổ sung và học hỏi lẫn nhau.
  • Trái ngược, dễ xung đột: ISTP, ISTJ, ISFP và ESTP lại là những nhóm có tính cách quá khác biệt so với tính cách ENFJ cả về giá trị, động lực. Hai bên dễ xung đột, tranh chấp nhưng về lâu dài, một khi đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác thì cũng có thể học được rất nhiều điều từ nhau.

Tinh cach ENFJ Nhom tinh cach ly tuong co co hoi thanh cong trong nhieu linh vuc

Mối quan hệ giữa ENFJ với các nhóm tính cách khác

V. Nguyên tắc để ENFJ phát triển bản thân, thăng tiến sự nghiệp

Dù là với nhóm tính cách nào thì phát triển và hoàn thiện bản thân cả về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm cũng như kỹ năng cũng đều rất quan trọng. Để phát huy hết tiềm năng của mình, những người thuộc kiểu tính cách ENFJ sẽ cần:

  • Tập trung vào chi tiết: Mặc dù ENFJ thích sáng tạo, làm việc dựa trên các ý tưởng mới và không thực sự muốn để ý tới tiểu tiết. Tuy nhiên, rõ ràng trong công việc, sẽ có nhiều lúc bạn buộc phải đọc các hợp đồng nhàm chán, xử lý các nhiệm vụ dựa trên dữ liệu, máy móc (không cần tương tác với con người). Khi tham gia các dự án khác nhau, bạn cũng sẽ thành công hơn nếu dành thời gian cân nhắc chi tiết, mục tiêu và thời hạn trước khi đưa ra ý kiến, phản hồi.
  • Thoải mái với xung đột: Mất đoàn kết, chia rẽ và xung đột không phải là ngày tận thế và không phải lúc nào cũng là điều tệ hại. Tính cách ENFJ luôn muốn sự thân thiện, hòa hảo hơn là quan hệ đối nghịch hay căng thẳng nhưng bạn hãy nhớ rằng, đôi khi dám đương đầu với khó khăn và giải quyết xung đột thì những điều tốt đẹp - thậm chí là mối quan hệ sâu sắc hơn - có thể sẽ đến.
  • Sống với hiện tại: Là nhóm tính cách hướng ngoại, ENFJ luôn kỳ vọng và muốn hướng tới tương lai. Trong khi điều này giúp họ nhìn thấy những triển vọng, tiềm năng thì cũng có thể khiến họ gặp khó khăn khi phải đối diện với cuộc sống thực tế. Tốt nhất, bạn hãy hy vọng nhưng cũng đừng quên áp dụng các kỹ năng lập kế hoạch, tập trung vào ngày hôm nay để từng bước đạt được các mục tiêu trong tương lai.
  • Lưu ý đến điểm mấu chốt: Muốn có thu nhập tốt, sự nghiệp phát triển và cuộc sống như ý, ENFJ cần phải cố gắng để để giữ cho mối quan hệ giữa người với người và nhiệm vụ công việc ở mức cân bằng. Đừng bao giờ quá tập trung vào khía cạnh con người mà quên đi các nhiệm vụ chính vì như vậy, cuộc sống của bạn có thể gặp phải nhiều rắc rối không đáng có.

Trên đây là những điểm mạnh, hạn chế và gợi ý lựa chọn nghề nghiệp của nhóm tính cách ENFJ. Mong rằng các chia sẻ của RaoXYZ sẽ giúp bạn định hướng và phát triển bản thân để thành công, thăng tiến sự nghiệp.