Điểm tin sáng 2-3: Chính phủ chỉ đạo “gắt” giải quyết các dự án BT, lộng hành...

Điểm tin sáng 2-3: Chính phủ chỉ đạo “gắt” giải quyết các dự án BT, lộng hành...

Chính phủ chỉ đạo “gắt” giải quyết các dự án BT, lộng hành giả mạo văn bản “thổi” giá đất…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 2-3 trên News Mogi.

Chính phủ chỉ đạo khẩn về các sai phạm dự án kiểu BT. Theo báo VietNamNet, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hợp đồng BT.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Tài chính về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao).

Theo đó, để hoàn thiện dự thảo Nghị định trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai hình thức hợp đồng BT so với các quy định pháp luật có liên quan như: Hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá; lý do không thể đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất; hình thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất; tính pháp lý của việc sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng (chưa được coi là tài sản công) để thanh toán.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính phải làm rõ cơ sở pháp lý của điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Nghị định, trong đó giải trình rõ hơn về sự chưa phù hợp của Điều 1 Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ đối với các hợp đồng BT đã ký trước ngày 1/1/2018.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể việc ban hành Nghị định này, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời hủy hợp đồng nếu xảy ra sai phạm.

Nguyên nhân hứa hẹn đưa bất động sản Đà Nẵng “bão” lớn. Trong buổi Tọa đàm mùa Xuân 2019 vào sáng 1-3, chính quyền Đà Nẵng sẽ trao chủ trương đầu tư cho nhiều dự án BĐS, công nghiệp quy mô lớn hàng tỷ USD.

Cụ thể, Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của đất nước.

Điểm nhấn quan trọng nhất là tầm nhìn năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Song song đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra yêu cầu đến năm 2030 (trong vòng hơn 10 năm), Đà Nẵng phải hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD, với quy mô dân số đạt khoảng 1,5 triệu người…

Đặc biệt, nghị quyết đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng bình quân GRDP giai đoạn này phải phấn đấu đạt trên 12%/năm, để góp phần nâng tỷ trọng quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2%. Đồng thời, nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế, trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 của cả nước.

Dưới góc độ thu hút đầu tư, dù năm 2018 được Đà Nẵng chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, nhưng tổng vốn FDI đăng ký mới trong năm chỉ đạt 155,9 triệu USD cho 126 dự án; bình quân 1,2 triệu USD/dự án.

Bước sang năm 2019, Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Điều này thể hiện trên thực tế với giá trị thu hút đầu tư trong nước vượt trên 6.000 tỷ đồng và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên 100 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2019.

Được biết, Đà Nẵng đang chờ đón 3,5 tỷ USD đầu tư vào trong thời gian tới cho các dự án đất tại các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ…

Giá đất nền ngoại thành dự kiến tăng từ 10-15% trong năm 2019. Thống kê mới đây từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong năm 2019, dự kiến giá đất nền ngoại thành sẽ tăng từ 10-15%.

Đi sâu vào giải thích, các chuyên gia cho rằng, bước sang năm 2019, phân khúc đất nền các tỉnh giáp ranh với thành phố lớn vẫn tiếp tục là kênh đầu tư hút vốn. Đây cũng là kênh có nhiều triển vọng với khả năng sinh lợi hấp dẫn, bởi giá mềm và quỹ đất còn rất lớn. Đặc biệt, đất nền là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất, dù có bất kỳ sự biến động nào của thị trường.

Tính đến thời điểm cuối năm 2018, TP.HCM gần như đã cạn quỹ đất để phát triển dự án mới. Khu vực trung tâm gần như không còn, chỉ còn những dự án đất nền Bình Chánh, đất nền quận 9, đất nền quận 12 và Nhà Bè may ra còn có được quỹ đất tương đối. Điều này, đẩy các nhà đầu tư và phát triển bất động sản buộc phải theo dòng chảy thị trường khi mà quỹ đất nội đô TP.HCM giá ngày càng cao. Chẳng hạn như họ sẽ chạy sang Bình Dương để phát triển các dự án đất nền cũng như Long An, Vũng Tàu…

Lộng hành, giả văn bản Chủ tịch tỉnh để “thổi” giá đất. Theo báo Tiền Phong, chiều 28/2, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, văn bản đang lan truyền trên mạng xã hội về việc tỉnh “phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở phường Cẩm Nam (TP Hội An)” là văn bản giả mạo, tỉnh không phát hành văn bản nào về nội dung này.

Theo đó, chữ ký trong văn bản không phải là của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, mẫu văn bản cũng được làm một cách rất sơ sài, không đúng mẫu, số hiệu văn bản cũng không nằm trong hệ thống quản lý điều hành văn bản hành chính của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam.

Những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện một văn bản có nội dung Quảng Nam phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở Cẩm Nam. Cụ thể, công văn giả này có số 1826/2017/QĐ-CP ngày 3/1/2018. Văn bản đề có dấu mộc, tên cùng hình ảnh chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Đinh Văn Thu về việc phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn 5 sao, khu phức hợp kết hợp casino, giải trí tại Cẩm Nam, phố cổ Hội An.

Lãnh đạo UBND TP Hội An cũng khẳng định văn bản lan truyền trên mạng là giả mạo và bịa đặt nhằm kích động đất bất động sản ở Hội An và Đà Nẵng.

căn hộ dịch vụ cho thuê.
Các căn hộ dịch vụ cho thuê đang thu hút tại TP.HCM

Lợi thế nào khi đầu tư căn hộ dịch vụ. Trên cơ sở nghiên cứu mới đây của Jones Lang LaSalle, tính đến hết quý III/2018, công suất thuê văn phòng hạng A và hạng B tại TP HCM luôn đạt mức trên 95% trong khi hiện chưa có nhiều nguồn cung mới.

Đây là một con số khá cao, nhưng trên thực tế không làm bất ngờ cho người thuê cũng như người đầu tư vào loại hình dịch vụ này. Bởi lẽ nó đã được dự báo từ trước cho những căn hộ dịch vụ cho thuê. Đặc biệt là đối với các căn hộ dịch vụ cho thuê tại quận 1 và quận 3.

Đánh giá từ các chuyên gia, nhà đầu tư cần cẩn trọng lựa chọn sản phẩm khi đầu tư loại hình này. Những yếu tố quan trọng cần xem xét bao gồm vị trí, tính liên kết vùng, khu dân cư hiện hữu bao quanh, tiềm lực phát triển kinh tế…

Đồng thời, diện tích căn thương mại cũng là yếu tố cần cân nhắc. Những căn diện tích lớn thường được xem trọng hơn bởi có thể chia nhỏ không gian cho thuê, giảm chi phí cho người đi thuê.

Được biết, giới đầu tư hiện tại đang chuyển hình thức kinh doanh theo kiểu đầu tư những dự án vùng ven Sài Gòn như các dự án ở quận 2 – điển hình dự án Thủ Thiêm Dragon, hay các dự án căn hộ quận 7 và căn hộ quận 8.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 1-3: Kiến nghị áp lãi suất thấp cho nhà ở xã hội, dự án “ma” lộng hành tại Đà Nẵng
  • Điểm tin cuối ngày 28-2: Lộ nguyên nhân giá căn hộ trung tâm Sài Gòn tăng, điều tra dự án liên quan đến Trầm Bê