Điểm tin cuối ngày 6-3: Đại gia ký 3 tỷ USD cho siêu dự án Thanh Đa, suýt chết vì ván...

Điểm tin cuối ngày 6-3: Đại gia ký 3 tỷ USD cho siêu dự án Thanh Đa, suýt chết vì ván...

Đại gia ký 3 tỷ USD cho siêu dự án Thanh Đa, suýt chết vì ván công trình…là những nội dung chính trong điểm tin cuối ngày 6-3 trên News Mogi.

Ván công trình suýt gây chết người. Theo báo Vnexpress, sáng 5-3, thanh niên 28 tuổi chạy xe máy trên đường Cộng Hòa, hướng vào trung tâm thành phố. Khi rẽ qua đường Ấp Bắc (phường 13, quận Tân Bình), anh bị tấm ván từ công trình xây dựng cao ốc đang rơi trúng đầu. Nạn nhân ngã bất tỉnh, được người dân đưa đi cấp cứu.

Tại hiện trường, nón bảo hiểm của nạn nhân vỡ nát, tấm ván rộng nửa mét, dài hơn 2 m nằm cạnh xe máy… “Lúc đó người đi đường khá đông, sự cố bất ngờ khiến nhiều người bỏ chạy tán loạn”, nhân chứng kể.

Tấm ván rơi từ dự án cao ốc văn phòng Etown 5 do Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (Tập đoàn REE) làm chủ đầu tư, Công ty Central là nhà thầu chính. Cao ốc này nằm tại mặt tiền đường Cộng Hòa, cao 17 tầng, có 3 tầng hầm.

Đề xuất điều chỉnh tăng hệ số giá đất lên mức 8,3%. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có văn bản kiến nghị gửi HĐND, UBND và thường trực Thành ủy thành phố với khuyến nghị cần thận trọng trong việc đưa ra quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019.

Cụ thể, quan điểm của hiệp hội là TP HCM nên tiếp tục áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 cũng tương đương cách tính mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018, tức là chỉ tăng trong ngưỡng giới hạn 5%-8,33%. Tạm thời không áp dụng mức đề xuất tăng 19 – 30% vì hệ số điều chỉnh của Sở Tài chính là quá cao và chưa hợp lý.

HoREA nhận định, hệ số điều chỉnh giá đất cùng với bảng giá đất (điều chỉnh 5 năm một lần) đều sẽ có tác động không nhỏ đến giá cả của thị trường bất động sản. Hệ số điều chỉnh này có tác động sâu rộng đến các hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ở ngoài hạn mức và cả doanh nghiệp, dự án bất động sản quy mô nhỏ, có mức thu tiền sử dụng đất dưới 30 tỷ đồng.

Sẵn sàng ký quỹ 3 tỷ USD, các ông lớn tính “hốt bạc” tại siêu dự án Thanh Đa – Bình Quới. Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế- xã hội TPHCM tháng 2 và nhiệm vụ tháng 3-2019 diễn ra sáng 5-3, ông Hoan Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết đối với các dự án lớn, có vị trí đắc địa của thành phố hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Riêng đối với dự án Bình Quới – Thanh Đa đến nay có 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu và sẵn sàng cam kết ký quỹ hơn 3 tỷ USD.

Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa có quy mô sử dụng đất 426 ha được quy hoạch xây dựng thành công trình với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho 41.000 – 50.000 người.

Chia sẻ mới đây,  ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, muốn dự án nhanh chóng đi vào hoạt động phải tháo gỡ từng khó khăn mà khó khăn lớn nhất hiện nay là việc giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng, thỏa thuận bồi thường cho dân càng lâu thì dự án càng chậm.

“Dự án này rộng hơn 400ha, một khu vực quy hoạch đô thị duy nhất tại khu trung tâm TP.HCM còn sót lại hiện nay nên nhiều nhà đầu tư đều muốn rót vốn thực hiện. Thành phố đã quá chậm trễ thực hiện dự án này suốt 26 năm qua, người dân tiếp tục sống khổ do đi không được mà ở lại cũng không xong. Vấn đề là thành phố cần làm nhanh đầu bài sao cho phù hợp với tình hình thực tế để đẩy nhanh quá trình này”, ông Châu cho biết.

Sai phạm đất ở Bình Dương, công an vào cuộc. Theo báo Tiền Phong,  Đại tá Nguyễn Văn Thắng – Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, công an tỉnh Bình Dương cho biết sẽ làm việc với các bên liên quan để thu thập tài liệu đồng thời làm rõ những khuất tất trong các phiên đấu giá dự án này.

Theo hồ sơ công an có được, Dự án khu dân cư Hòa Lân có diện tích 490.765 m2 do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) làm chủ đầu tư. Theo Kết luận thanh tra số 62/KL-TTR ngày 24/12/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp, để thực hiện dự án, từ năm 2003 – 2007, Công ty Thiên Phú đã ký các Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn).

Tuy nhiên, trong quá trình buôn bán và ký kết đã để xảy ra nhiều sai phạm khuất tất, giữa Công ty Thiên Phú, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty cổ phần xây dựng A Đông Hải (Công ty A Đông Hải) nay đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (công ty Kim Oanh), để rồi sau khi Thanh tra Bộ Tư pháp đến làm việc với Công ty A Đông Hải thì được biết, UBND tỉnh Bình Dương vẫn chưa có văn bản chấp thuận chuyển đổi chủ đầu tư dự án KDC Hòa Lân từ Công ty Thiên Phú sang cho Công ty A Đông Hải.

Theo Thanh tra Bộ Tư pháp, Công ty A Đông Hải (Công ty Kim Oanh) vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản để tiếp tục thực hiện dự án KDC Hòa Lân, nhưng Văn phòng Công chứng thành phố Mới đã thực hiện công chứng vào Hợp đồng mua bán tài sản trên là thực hiện không đúng nội dung thỏa thuận tại Biên bản bán đấu giá ngày 25-5-2017.

Trước khuất tất tại cuộc đấu giá dự án này, ngày 4-3-2019 Cty Thiên Phú đã có đơn tố cáo gửi đến Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Bình Dương và Sở Tư pháp tỉnh này tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Văn phòng công chứng Thành Phố Mới tỉnh Bình Dương trong việc ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá có giá trị 1.353 tỷ đồng gây thiệt hại tài sản Nhà nước và tài sản của doanh nghiệp.

Trong đơn, Công ty Thiên Phú đã chỉ ra mặc dù Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương chưa cho phép chuyển đổi chủ đầu tư trước khi ký hợp đồng công chứng nhưng ngày 1-7-2017, Văn phòng công chứng Thành Phố Mới vẫn công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá cho Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Kim Oanh TPHCM.

Hành vi này vi phạm Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai và vi phạm Điều 48 Luật Kinh doanh Bất động sản…Công ty Thiên Phú đề nghị tỉnh Bình Dương trong thời gia làm rõ sự việc thì không chấp thuận đề nghị chuyển đổi chủ đầu tư Dự án KDC Hòa Lân cho bất cứ đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào và ngăn chặn mọi hành vi chuyển nhượng hay thay đổi hiện trạng dự án để giảm thiệt hại.

Trao đổi với chúng tôi mới đây, luật sư đại diện cho phía công ty Thiên Phú cho biết công ty luật đã có đơn kiến nghị trình Thủ tướng về việc xem xét lại kết quả đấu giá khu đất dự án này và đề nghị hủy kết quả đấu giá để thực hiện theo đúng trình tự. Song song đó, công ty luật đại diện cho Thiên Phú cũng đang lập hồ sơ khởi kiện các đơn vị liên quan trong cuộc đấu giá đầy khuất tất này.

Đất nền Đà Nẵng tăng giá.
Đất nền Đà Nẵng tăng giá vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Giá đất Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.  Theo ghi nhận từ Mogi, đại diện một sàn giao dịch đất nền cũng ở khu vực Hải Châu – Đà Nẵng thừa nhận thông tin giá đất tăng từ cơ quan chức năng đã lập tức gây tác động xấu đến toàn bộ thị trường ở đây. Đất nền Đà Nẵng đang nhanh chóng tăng vọt 20 – 50% không thể kiềm chế nổi. Thậm chí nhiều sàn giao dịch gần như chốt sổ giao dịch… theo giờ.

Trong khi đó, biến động mạnh nhất vẫn là khu vực đất nền Hòa Xuân (Cẩm Lệ) và trục Tây Bắc với thị trường mua bán nhà đất quận Liên Chiểu, nhiều vị trí đã tăng đến 200% chỉ trong vài ngày. Những dự án nằm trong các vùng có thông tin đầu tư tích cực khác, như xung quanh cảng Liên Chiểu, khu vực Làng Đại học với thị trường mua bán nhà đất Ngũ Hành Sơn, có thể nói giới kinh doanh mặc sức đẩy tung giá, mà gần như ở mức nào cũng… có lý!

 Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 6-3: TP.HCM chỉ đạo kiểm tra “nóng” sai phạm hai chung cư, xuất hiện 5 “đại gia” đấu giá siêu dự án Thanh Đa
  • Điểm tin cuối ngày 5-3: “Đào vàng” bất động sản ven biển, bí quyết để đất Vân Đồn tăng giá mạnh hơn