Điểm tin cuối ngày 11-3: Nhà xã hội không “ngon” như tưởng, cảnh báo loạn giá đất...

Điểm tin cuối ngày 11-3: Nhà xã hội không “ngon” như tưởng, cảnh báo loạn giá đất...

Nhà xã hội không “ngon” như tưởng, cảnh báo loạn giá đất Đà Nẵng…là những nội dung chính trong điểm tin cuối ngày 11-3 trên News Mogi.

Nhà xã hội có “ngon” như đã tưởng.  Nhiều người đang lầm tưởng mua nhà xã hội sẽ “ngon” vì hưởng nhiều ưu đãi. Thậm chí mức lãi suất trong năm 2019 dành cho nhà ở xã hội cũng chỉ tăng có 0,2%, nhưng thực tế không như vậy. Ngoài giá bán, khách hàng muốn mua nhà ở xã hội phải trả thêm một số loại tiền chênh do môi giới quy định. Thậm chí khách muốn được căn đẹp phải trả thêm nhiều khoản đắt đỏ hơn.

Cụ thể, đối với dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thông báo bắt đầu hướng dẫn làm hồ sơ mua nhà theo quy định. Dù chủ đầu tư cho biết không phân phối cho bất kỳ trung gian nào, nhiều sàn giao dịch bất động sản vẫn “vào cuộc” phân phối dự án.

Theo một số sàn giao dịch bất động sản, nếu khách hàng đăng ký mua theo kênh của họ sẽ được hướng dẫn và trợ giúp làm hồ sơ với chủ đầu tư. Sàn cũng cam kết khách sẽ mua được căn hộ, chứ không giống như kênh nộp hồ sơ cho chủ đầu tư là phải bốc thăm. Khi bốc thăm có thể mua được, có thể không.

Ngoài giá bán căn hộ được chủ đầu tư thông báo là 16-17 triệu đồng/m2, chi phí làm hồ sơ và giúp khách mua được nhà, sàn thu thêm một khoản tiền chênh là 70 triệu đồng/hồ sơ.

Để có được căn hộ ở vị trí đẹp, khách hàng cũng phải trả thêm tiền chênh. Ví dụ, khách hàng có nhu cầu mua căn góc, khi đặt cọc làm hồ sơ phải nộp thêm 50 triệu đồng. Khi bốc thăm nếu không vào căn góc, sàn sẽ hoàn lại số tiền này.

Tuy nhiên, sàn thường tư vấn cho khách lựa chọn phương án thứ hai, nghĩa là đặt cọc luôn căn góc với tiền “thu thêm” là 180 triệu đồng. Khi khách nộp số tiền này, sàn cam kết sẽ mua được căn góc, nhưng không cam kết căn góc ở tầng bao nhiêu. Nghĩa là khi nộp 180 triệu đồng, khách được quyền bốc thăm các căn góc, số tầng phụ thuộc khi bốc thăm.

Như vậy, để mua được căn hộ ưng ý, khách hàng có thể phải trả thêm số tiền 120-250 triệu đồng (giá bán căn hộ của chủ đầu tư giao động từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng). Chủ đầu tư Capital House cảnh báo khách hàng không phải trả bất kỳ khoản tiền chênh nào và có thể đến trực tiếp địa điểm được quy định để nộp hồ sơ thay vì trung gian.

Tương tự những dự án khác, sàn giao dịch có thể hưởng chênh lệch từ 500-600 triệu đồng.

Căn hộ tầm trung tại TP.HCM đang “hút” người mua. Theo số liệu mới đây, phân khúc căn hộ tầm trung đang được thị trường đón nhận và sức mua cao. Báo cáo của Savills, riêng quý IV/2018 đã có 11.000 lượt giao dịch với tỷ lệ hấp thu đỉnh điểm lên đến 60%. Trong đó, căn hộ tầm trung chiếm 58% tổng lượng bán với tỷ lệ hấp thụ đạt 64%.

Thực tế điều này không có gì mới, mà mọi thứ đã diễn ra từ năm trước. Tổng kết lại thị trường 2018, phân khúc căn hộ tầm trung đã dẫn dắt thị trường và trở thành chủ đạo.

Cho nên, ở năm 2019, trên đà đó, phân khúc căn hộ tầm trung tiếp tục phát triển. Điểm mặt qua vài dự án như có dự án Saigon Intela có giá bán dự kiến: 23,9 triệu đồng mỗi m2 (từ 1,3 – 1,5 tỷ đồng mỗi căn 2 phòng ngủ). Thủ Thiêm Dragon hay Vincity Grand Park quận 9 hứa hẹn sẽ là những dự án có căn hộ tầm trung đáng chú ý để khách hàng có thể lựa chọn ở hiện tại và tương lai.

Chiếm quỹ bảo trì, gây náo loạn tầng hâm, chủ đầu tư đang khiến cư dân bức xúc.  Cụ thể, ban quản trị toà nhà chung cư Phúc Yên 2 (Tân Bình, TP HCM), đã phản ánh một số tồn tại của chủ đầu tư. Đơn cử, dự án này đang chiếm dụng, chưa trả quỹ bảo trì về cho cư dân. Công ty này còn yêu cầu cư dân/ban quản trị thanh toán tiền lắp đặt hệ thống máy phát điện và thanh toán nguyên giá hệ thống máy trông giữ xe sau 5 năm thực hiện.

Chưa hết, chủ đầu tư dự án này còn tranh chấp diện tích tầng hầm để xe với cư dân trong khi Sở Xây dựng TPHCM đã hướng dẫn các quy định pháp luật để thực hiện. Công ty này cũng chưa bàn giao đầy đủ hồ sơ pháp lý của công trình, chưa bàn giao đầy đủ thông tin cư dân (vì đa phần cư dân cho thuê mà chủ đầu tư có sàn bán bất động sản) đang sở hữu căn hộ để giúp ban quản trị thuận lợi trong nhiệm vụ của mình.

Chủ đầu tư không bố trí văn phòng làm việc của ban quản lý và ban quản trị, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà vệ sinh chung. Đáng chú ý, trong khi chung cư Phúc Yên 2 còn nhiều vấn đề bất cập chưa được giải quyết xong thì chủ đầu tư vẫn triển khai các dự án mới. Điều này ảnh hưởng đến an toàn chất lượng sống của toàn thể cư dân sống tại chung cư và người dân khu vực lân cận, bà Hằng cho biết.

Trong khi đó, tại Hà Nội, với chung cư C14 Bắc Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng xảy ra nhiều vấn đề nan giải.  Đừng quên rằng, trong năm 2018, có đến 108 điểm tranh chấp chung cư và điều này hứa hẹn sẽ tiếp tục “nóng” trong năm 2019.

Nói về vấn đề trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng vấn đề gây ra nhiều bức xúc hiện nay tại các chung cư liên quan đến việc tranh chấp diện tích chung riêng. Chủ đầu tư thường giữ lại những phần diện tích “ngon nhất” để kinh doanh dịch vụ, cho thuê, kiếm lời.

Liên quan đến quỹ bảo trì, trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã hai lần công bố các chủ đầu tư ‘chây ỳ’ không chịu trả quỹ bảo trì chung cư cho cư dân, lấy đó làm cơ sở để trình thành phố phương án cưỡng chế các chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Luật Nhà ở.

Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Bộ Công an tiến hành khởi tố các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không bàn giao quỹ bảo trì chung cư.

 Vi phạm phòng cháy chữa cháy, hàng loạt công trình bị “bêu tên”. Mới đây, Trong đợt tổng kiểm tra công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP.Hà Nội từ ngày 22-2-2019 đến ngày 28-2-2019, các lực lượng chức năng Công an thành phố đã tổ chức kiểm tra 1.545 cơ sở, trong đó 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Trong đó, quận Đống Đa có dự án Tòa nhà GP Invest số 170 đường Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa do Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu làm chủ đầu tư; Chung cư HH1 – HH2, ngõ 102 Trường Chinh do Công ty cổ phần cơ điện xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư; Công trình nhà ở kết hợp dịch vụ ở 75 Phương Mai của Công ty TNHH Bảo Long…

Quận Thanh Xuân có các dự án Tòa nhà 24 T3 số 6 Lê Văn Thiêm của Công ty CP phát triển Thanh Xuân; Tòa nhà Zen Tower, ngõ 1 Khuất Duy Tiến Công ty CPĐTPT số 8 làm chủ đầu tư; Tòa17 T1 -T2, Tòa17 T3 – T4, Tòa21 T1 -T2, Tòa24 T1 – T2 số 1 Nguyễn Huy Tưởng của Công ty CP Đầu tư bất động sản Hapulico… không đảm bảo PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Quận Hoàng Mai có Công trình chung cư cao tầng CTl.1 – 1A, B, thuộc khu dự án Vĩnh Hoàng chưa xây dựng phương án cứu nạn cứu hộ…

Trước đó, vào năm 2018, Cảnh sát PCCC cũng đã công bố danh sách 91 công trình cao tầng cần khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC, nhằm ngăn ngừa tai nạn cháy nổ, đảm bảo cuộc sống cho cư dân.

Điển hình trong 91 công trình được “bêu” tên công khai này phải kể đến như: Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) của Tổng Công ty Viglacera với hàng loạt tòa chung cư gồm: Tòa C13; C14; C15; C16 A và B; tòa D1; D2; D3; D4

Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị HUD gồm các tòa chung cư tại Khu đô thị Văn Quán-Vạn Phúc (phường Phúc La, quận Hà Đông) như: Tòa CT1 A và B; CT2 A và B; CT3 A và B; CT7 A và B.

Khu ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm) với một loạt chủ đầu tư vi phạm PCCC như: Tòa nhà N03-T8; Tòa nhà N03-T2.

Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở để bán Eco Gree City thuộc Khu đô thị Tây Nam Kim Giang (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) của Công ty TNHH BĐS và Xây dựng Việt Hưng là chủ đầu tư…

loạn giá đất nền tại Đà Nẵng
Cơ quan chức năng cảnh báo việc loạn giá đất tại Đà Nẵng.

Coi chừng “chết” vì loạn gia đất, chính quyền cảnh báo người dân. Những ngày qua, ghi nhận tình trạng loạn giá đất tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Cụ thể tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), “cò đất” liên tục lộng hành với những chiêu trò khác nhau. Từ việc tung tin sắp có dự án lớn mở ra tại đây cho đến tách huyện…tất cả với mục đích “thổi” giá đất lên cao chót vót.

Tình hình mua bán bất động sản tại quận Sơn Trà, giá đất nền ở trong các hẻm nhỏ ở phường An Hải Bắc, Mân Thái và Thọ Quang có thời điểm tăng 100 triệu đồng/ngày/lô. Nhiều người đi tìm mua nhà để ở hoặc đất để xây dựng nhà trong các kiệt, hẻm chỉ rộng 1-1,5m cũng chới với trước tốc độ tăng giá đất.

Theo ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, trong bối cảnh hiện tại, các quận, huyện và người dân cần cảnh giác trong giao dịch BĐS. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tình trạng các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân; đồng thời có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Sở Xây dựng lưu ý các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố khi thực hiện giao dịch mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện giao dịch để tránh thiệt hại có thể xảy ra.

Đối với Quảng Nam cũng không khác, chính điều này buộc cơ quan chức năng phải lên tiếng cảnh báo người dân để không bị “mắc mưu” của các cò đất. Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có văn bản gửi các xã, phường về việc chấn chỉnh thông tin thất thiệt và tình trạng mua bán chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn thị xã.

Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội của thị xã Điện Bàn, nhu cầu giao dịch đất đai, mua bán bất động sản trong nhân dân trên địa bàn ngày càng tăng.

Một số đối tượng cò đất đã lợi dụng sự sôi động của thị trường bất động sản, tung tin thất thiệt đăng tải tràn lan trên mạng xã hội như: một số đơn vị hành chính cấp xã của Điện Bàn sắp sáp nhập vào TP. Đà Nẵng, địa phương sắp triển khai dự án hàng trăm tỷ…

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 9-3: “Cò đất” chơi chiêu độc, dân Đà Nẵng hú vía, lãi suất vay mua nhà ở xã hội tăng
  • Điểm tin cuối ngày 8-3: Sẽ bị xử phạt nếu phản đối chủ đầu tư sai phạm? Tình tiết mới trong vụ “siết” chung cư tại TP.HCM