Đâu là thái độ làm việc cần có của một nhân viên mới

Đâu là thái độ làm việc cần có của một nhân viên mới

Sẽ như thế nào khi bạn nhiệt tình góp ý giúp đỡ nhân viên mới nhưng ngược lại họ luôn tỏ ra mình cái gì cũng biết, việc gì cũng làm đúng và không bao giờ lắng nghe lời khuyên của bạn? Với tôi, đó là một việc không thể chấp nhận được.

Mệt mỏi vì nhân viên mới chẳng bao giờ chịu nghe góp ý 

Tôi chẳng phải là sếp, cũng chẳng phải là người chức cao vọng trọng này kia trong công ty, nhưng nhờ sự tin tưởng của sếp, tôi được giao nhiệm vụ sẽ hỗ trợ training những bạn nhân viên mới. Cũng sẽ không có gì đáng nói nếu người mới chẳng bao giờ nghe góp ý của tôi!

Ngay từ những ngày đầu làm việc chung, tôi đã không mấy hài lòng về thái độ làm việc của em ấy, nhất là từ sau buổi training về những quy trình làm việc, tôi càng không có một chút thiện cảm. Là một nhân viên mới, qua thái độ, cách làm việc, tiếp xúc với đồng nghiệp, tôi thấy được ở em là một người rất tự mãn, háo thắng. Tôi nói cái gì, em ấy cũng tỏ ra biết rồi và có vẻ như, mọi điều tôi nói đều dư thừa. Có chút hụt hẫng, chạnh lòng khi những truyền đạt của tôi bị em coi thường. Nhưng thay vì tỏ thái độ lại, tôi cố gắng hoàn thành xong công việc được giao một cách tốt nhất trong tâm thế thoải mái, còn lại những vấn đề khác, tôi chẳng mấy quan tâm.

Bởi, đó là chuyện của em ấy, tính tôi xưa nay chẳng muốn can thiệp vào chuyện của bất cứ ai. Chỉ có chuyện nào ảnh hưởng trực tiếp đến việc tôi phụ trách, tôi sẽ góp ý thẳng thắn nếu không làm đàng hoàng.

cu-cho-minh-la-dung-thi-mai-mai-chi-giam-chan-tai-cho-hinh-anh-1

Nhiệt tình giúp đỡ em ấy, nhưng dường như lời tôi nói em ấy xem như “gió thoảng mây bay”

Vài ngày sau buổi training, khi rà soát lại công việc của em ấy, tôi thấy em bắt đầu vướng vào những lỗi mà tôi đã từng lưu ý. Khi tôi báo để em sửa, tránh bị cấp trên thấy lại đánh giá không hay thì em tiếp tục tỏ thái độ không tốt. Tôi đến phải bó tay với em, cứ hay thích bảo vệ quan điểm của mình, dù lỗi rành rành đó nhưng vẫn cố cãi, kiểu “ai làm ra lỗi đó chứ không phải tôi, còn nếu là tôi thì không ai nói với tôi nên tôi không biết, tôi vô tội”. Hết chịu nổi, nếu em thích vậy thì chị “chiều”.

Núi cao còn có núi cao hơn, đừng bao giờ cho mình là nhất!

Từ đó, tôi không quan tâm nữa, cái gì em ấy không rõ thì hỏi tôi, khi nào sếp yêu cầu tôi hướng dẫn gì thì tôi làm, còn lại tôi sẽ không can thiệp bất cứ chuyện gì liên quan đến em ấy nữa. Có việc gì cần yêu cầu hay em ấy làm sai gì thì tôi sẽ gửi mail cho cả bộ phận, xem như góp ý chung để mọi người cùng lưu ý, tránh những sai sót không đáng có trong công việc. Tôi không muốn lời nói của mình như “gió thoảng mây bay”.

Bởi tôi nghĩ: Với một người như em ấy, nếu không thay đổi thái độ làm việc, sẽ chẳng bao giờ tiến xa hơn được. Vì đơn giản, trong bất cứ một môi trường làm việc nào, dù bạn tài giỏi đến đâu, cũng đừng bao giờ có thái độ tự mãn. Kiến thức là bao la, bạn có chắc là bạn biết hết? Cho nên, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, chỉ cần có người chịu mở lòng chia sẻ những hiểu biết của họ thì bạn hãy đón nhận nó với một thái độ cầu thị, sẵn sàng học hỏi để nâng cao chuyên môn, hoàn thành công việc một cách tốt nhất có thể. Cứ cho mình là đúng, cái gì cũng biết thì mãi mãi chỉ đứng một chỗ mà thôi. Hãy làm việc bằng cái tâm của mình. Con đường bạn chọn, thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào thái độ làm việc.

cu-cho-minh-la-dung-thi-mai-mai-chi-giam-chan-tai-cho-hinh-anh-2

Đừng cho mình cái gì cũng biết, còn rất nhiều điều bạn cần học hỏi

Tôi muốn nhắn nhủ những người trẻ rằng, không dễ gì có người chỉ bảo bạn khi bạn bước vào môi trường mới. Đừng bao giờ cho rằng mình luôn đúng, nghĩ rằng mình giỏi, vì “núi cao còn có núi cao hơn”, mình giỏi còn có người giỏi hơn. Và… nếu bản thân bạn không tự thay đổi thì sẽ không ai có cách giúp bạn.

Hãy gửi câu chuyện của bạn qua email [email protected] để chia sẻ đến độc giả của Việc Làm 24h và nhận được những phần quà từ Ban quản trị.