Cơ hội và thách thức của sinh viên khi tìm việc trong mùa dịch Covid-19

Cơ hội và thách thức của sinh viên khi tìm việc trong mùa dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch bệnh kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là lao động và việc làm.

Thực tế, sinh viên phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi không thể tìm việc làm trong mùa dịch, lúc bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động và tỉ lệ cạnh tranh cao.

Những thách thức đối với sinh viên khi tìm việc mùa dịch

Thách thức đến từ sự biến động của thị trường lao động

Theo đánh giá mới nhất của Cục Việc Làm (Bộ Lao Động – Thương Binh – Xã Hội), làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động năm 2021. Cụ thể, trung bình mỗi tháng có 11 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trong đó các ngành bị ảnh hưởng nặng nề phải kể đến như ngành bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; giáo dục, đào tạo…Ngoài ra, số doanh nghiệp thành lập mới có quy mô lao động giảm hơn 7% so với cùng kỳ.

Việc kinh doanh, sản xuất bị hạn chế buộc nhiều doanh nghiệp phải dùng đến  phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm lao động, giãn việc làm. Rất nhiều người lao động gặp phải tình trạng mất việc làm, người phải nghỉ giãn việc luân phiên, bị giảm giờ làm hay giảm thu nhập…

Từ những kết quả trên có thể thấy, dịch covid đã khiến thị trường lao động lao đao và tỷ lệ mất việc làm gia tăng đáng kể. Đặc biệt, đối với nhóm là sinh viên mới hoặc chuẩn bị ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để tìm được cơ hội việc làm vào mùa dịch.

Thách thức đến từ sự cạnh tranh

Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê “ Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1/2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động, việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thu nhập bình quân tháng của lao động giảm lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua.Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, lao động phổ thông và lao động trực tiếp bị ảnh hưởng chủ yếu.” 

Những người lao động mất việc trong giai đoạn này cũng ráo riết tìm kiếm công việc mới. Sinh viên tìm việc giai đoạn này phải đối mặt với tỷ lệ cạnh tranh cao, sinh viên ứng tuyển cho cùng một vị trí sẽ đối mặt với rất nhiều ứng viên giàu kinh nghiệm thực tế. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng giảm thấp, các doanh nghiệp ưu tiên các ứng viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao vì họ có thể nhanh chóng đảm nhận công việc, thay vì dành thời gian tuyển dụng và đào tạo các vị trí đầu vào. Kéo theo yêu cầu tuyển dụng cùng quá trình sàng lọc ứng viên khắt khe khiến cho cơ hội việc làm của sinh viên trẻ có ít năm kinh nghiệm càng trở nên hạn chế hơn.

Ngoài ra, trong giai đoạn thị trường việc làm “khan hiếm” nên các bạn sinh viên cũng ít có cơ hội lựa chọn, mở rộng phạm vi công việc hoặc thử sức với các ý tưởng mới.

Khó khăn để thích ứng với phương pháp tuyển dụng online 

Để chủ động ứng phó với đại dịch, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức làm việc và tuyển dụng online. Thay vì gặp mặt và phỏng vấn trực tiếp tại nơi làm việc như trước đây là cơ hội lý tưởng để ứng viên có thể đánh giá về nhà tuyển dụng tiềm năng. Lúc này phương thức phỏng vấn trực tuyến gây ra nhiều khó khăn cho sinh viên trong việc nắm bắt đủ thông tin để đánh giá về văn hóa doanh nghiệp cũng như định hướng sự nghiệp tương lai.

Thêm vào đó, nhiều sinh viên cảm thấy e ngại và lúng túng khi thực hiện phỏng vấn online thông qua ống kính camera. Việc này dẫn đến sự thiếu tự tin, không thể hiện được bản thân và ấn tượng mạnh cho phía người phỏng vấn. 

Ngoài ra, trang thiết bị công nghệ cũng là một yếu tố khó lường ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc phỏng vấn khi mà kết nối Internet có thể bị ngắt hoặc trục trặc thiết bị có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cơ hội cho sinh viên khi tìm việc mùa dịch

Dịch bệnh mang đến thách thức lớn song cũng là cơ hội cho các ứng viên tìm việc. Theo các chuyên gia lao động, dịch COVID-19 tác động trong những khoảng thời gian nhất định và ảnh hưởng đến một số ngành nghề nhất định chứ không phải toàn bộ thị trường lao động. Vậy nên cơ hội vẫn mở ra ở một chiều hướng khác cho các bạn sinh viên biết nắm bắt và thích ứng.

Những cơ hội mới cho sinh viên tìm việc làm mùa dịch

Bên cạnh một số ngành nghề giảm tuyển dụng do dịch COVID-19, một số ngành khác lại có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như thương mại điện và công nghệ thông tin. Giãn cách xã hội nên người dân tăng cường mua sắm trực tuyến khiến các doanh nghiệp chuyển đổi hành vi mua sắm tại điểm bán sang đẩy mạnh phát triển các nền tảng mua sắm online, dẫn đến gia tăng nhu cầu cho các dịch vụ trực tuyến.

“Thị trường công nghệ thông tin thiếu hụt 450000 nhân sự vào năm 2021 càng “khát” lao động hơn bao giờ hết khi nhiều chuyên gia nước ngoài không thể trở lại Việt Nam làm việc và các công ty gia công phần mềm gia tăng đơn hàng từ ngoại quốc.” (Theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam). Các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng đáng chú ý khác là dịch vụ tài chính và Văn phòng liên lạc thuê ngoài (Sourcing Liaison Offices).

Ngoài ra, cơ hội việc làm mùa dịch hạn chế đối với các công việc cần di chuyển và lượng việc giảm sâu trong các lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, thương mại truyền thống nhưng mở ra các cơ hội “việc làm trực tuyến” như gia sư online, viết lách, biên tập, tư vấn online, nghiên cứu dữ liệu và các công việc khác thuận tiện trao đổi qua các kênh trực tuyến, mạng xã hội. Nắm bắt tốt xu hướng tuyển dụng, thích ứng và không ngừng trau dồi năng lực bản thân mở ra đa dạng cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên trong mùa dịch.

Sinh viên cần làm gì để nắm bắt cơ hội tìm việc làm trong mùa dịch?

Sinh viên tìm việc làm mùa dịch cần chủ động thay đổi tư duy và cách thức làm việc mới để thích ứng với thời cuộc, chuyển nguy thành cơ.

  • Mở rộng các kênh tìm việc online

Sinh viên tìm việc mùa dịch không nên bỏ lỡ những thông tin tuyển dụng từ các Website tuyển dụng chuyên nghiệp đang chuyển đổi các hoạt động trong mùa dịch để kết nối doanh nghiệp với ứng viên. 

Bên cạnh đó, chủ động tìm kiếm thêm trên các trang tuyển dụng quen thuộc như Facebook, Linkedin…cũng mang đến không ít cơ hội cho sinh viên. Ứng viên có thể bật chế độ quan tâm, theo dõi hoạt động của công ty mong muốn hoặc kết nối với những người làm trong công ty để mở rộng network và tiếp cận được thông tin tuyển dụng sớm nhất.

Ngoài ra, bạn sinh viên có thể kết nối với các Trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, kết nối nhiều hơn với các doanh nghiệp và nhanh chóng tìm được công việc phù hợp.

  • Tìm hiểu quá trình tuyển dụng online mới

Quá trình tuyển dụng online trong mùa dịch có một số đặc điểm mới và khác so với cách thức truyền thống. Các bạn sinh viên cần phải trang bị ngay các kiến thức quan trọng về cách tuyển dụng và phỏng vấn online, đầu tư chỉnh chu email và CV xin việc của giành cơ hội lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng. 

Thường xuyên kiểm tra email, trạng thái ứng tuyển CV và cuộc gọi thường xuyên cũng như học cách sử dụng các phần mềm hỗ trợ công việc trực tuyến (như Zoom, Google Meet, Slack, Trello, ứng dụng ghi chú, quản lý công việc trực tuyến….) là vô cùng cần thiết lúc này. 

Ngoài ra, Sinh viên cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ thiết bị, phần mềm, ánh sáng và bối cảnh nền trước buổi phỏng vấn online. Để làm quen với các tính năng chính của phần mềm phỏng vấn và thoải mái hơn trước ống kính, sinh viên có thể diễn tập phỏng vấn từ trước với bạn bè hoặc chuyên viên tuyển dụng (nếu nộp đơn thông qua một công ty tuyển dụng).

  • Xây dựng tinh thần lạc quan mùa dịch

Đối mặt với nhiều khó khăn mùa dịch, “sức khỏe tinh thần” của các bạn sinh viên cũng bị ảnh hưởng nhất định. Nhiều bạn không tìm được việc, dẫn đến tình trạng lo lắng theo chiều hướng tiêu cực và mất định hướng.

Tip hay cho các bạn sinh viên lúc này là có thể tìm hiểu và tham gia các chương trình tư vấn tâm lý và định hướng nghề nghiệp mùa dịch trực tuyến cho sinh viên. Kết hợp với việc tự học sẽ giúp các bạn sinh viên có thể trau dồi thêm kiến thức, cập nhật kỹ năng, mở rộng hiểu biết về các ngành nghề mới cũng như được các chuyên gia định hướng nghề nghiệp.

Đại dịch sẽ sớm qua đi, bạn hãy phấn đấu vượt qua thách thức và nắm bắt những cơ hội trong thời gian này để tìm kiếm việc làm phù hợp. Chúc bạn sớm thành công.