Chạnh lòng những cái Tết nghèo nơi phố thị

Chạnh lòng những cái Tết nghèo nơi phố thị

Chạnh lòng những cái Tết nghèo nơi phố thị, ái ngại vì không có người rửa lá chuối, gói bánh tét, cả nhà quây quần bên nhau thì đáng thương lắm. Nhưng dù Tết giàu hay Tết nghèo, cốt yếu vẫn là chữ “Tết” trong mỗi con người. Mặc dù còn đó biết bao nhiêu nỗi lo toan, loay hoay trong cái năm mới, cái Tết đang rất gần.

Những tháng cuối năm, bầu trời trĩu nặng bởi những cơn mưa rào. Tôi vẫn như thường ngày, miệt mài với công việc ngân hàng sớm sớm chiều chiều. Cuộc sống giờ đây khá hơn thời sinh viên rất nhiều, có thể nói là “cơm no áo ấm”. Mặc dù công việc ngân hàng bận rộn, mệt mỏi là thế, nhưng chỉ cần cuối tháng ngó vào tài khoản những số dư mà mình được nhận, mệt mỏi mấy tôi cũng thấy xứng đáng.

Chớp mắt mà năm cũng sắp hết, Tết lại sắp về. Cứ mỗi năm đến thời gian này là tôi lại nhớ về thầy giáo của mình. Tôi thì sướng rồi, có công việc tốt, lương thì cao, gia đình hạnh phúc. Tết đến là tha hồ mơ về những ngày rảnh rỗi, nhàn hạ. Thế nhưng thầy giáo của tôi thì không được như thế.

chanh-long-nhung-cai-tet-ngheo-noi-pho-thi-hinh-anh-1

Chớp mắt mà năm cũng sắp hết, Tết lại sắp về

Thầy là thầy chủ nhiệm của tôi năm lớp 12, sống một mình ở ngoại thành. Tính tình thầy bộc trực, ngay thẳng nên dù giỏi giang thì cũng chỉ là một giáo viên nghèo. Đã bao lần thầy ngồi uống cùng tôi vài lon bia và tủi thân tủi phận. Tôi biết thầy buồn vì mấy đứa học trò làm giáo viên của thầy. Chúng nó khéo nịnh hót nên giờ đã lên chức trưởng bộ môn, thăng tiến không ngừng rồi quên luôn người thầy cũ. Tết với thầy tôi luôn là cái Tết trĩu nặng rất rõ. Một cái Tết nghèo, cô đơn, không gia đình.

Nhớ đến thầy, tôi lại nhớ đến chị Hằng hàng xóm. Chị có 2 đứa con nhỏ ở quê nhà. Chồng bỏ chị từ cái thời chị còn mang nặng đẻ đau. Cả năm chị làm việc quần quật trong nhà máy, mong có chút tiền dành dụm để về nhà sắm cho con cái áo, cái quần mới. Nhưng công ty chị bị giải thể, chị mất việc nên cuối năm nay đành rỗng túi. “Chắc chị dằn lòng ở lại đây ăn Tết quá”, chị ngậm ngùi nói với tôi.

Có nghe chị Hằng kể mới thương lắm cái Tết của những chị công nhân. Ăn uống thì kham khổ để lấy chút sức tăng ca. Tất bật, vất vả ở những căn phòng trọ xập xệ, nuốt nước mắt chịu đựng với hi vọng cuối năm được về quê ăn Tết. Vật giá thì cứ thế leo thang, đời công nhân nay lại càng thiếu thốn.

Chị nói với tôi chắc qua Tết về luôn Sa Đéc nếu vẫn không tìm ra việc. Tôi nói: “Chị đi rồi chắc xóm mình buồn lắm. Em cũng buồn nữa”. Nhưng cũng đành vậy, con người ta đành phải trôi dạt theo hai chữ “mưu sinh” mà. Chị Hằng nói biết đâu chừng chị chuyển nghề. Mai mốt khi Tết đến, chị sẽ đem hoa từ quê lên Sài Gòn bán.

chanh-long-nhung-cai-tet-ngheo-noi-pho-thi-hinh-anh-2

Công nhân ở những căn phòng trọ xập xệ, hi vọng cuối năm được về quê ăn Tết (ảnh minh họa)

Nhìn thầy chủ nhiệm năm nào cũng nhận vài gói mì, vài ký gạo trong khi người ta vui mừng vì được thưởng Tết mà tôi thương. Thế nên năm nào tôi cũng biếu thầy đủ các thức quà Tết cho thầy vui. Tết đến xuân về, ai cũng có cho riêng mình những hoài niệm về Tết. Chạnh lòng những cái Tết nghèo nơi phố thị, ái ngại vì không có người rửa lá chuối, gói bánh tét, cả nhà quây quần bên nhau thì đáng thương lắm.

Nhưng dù Tết giàu hay Tết nghèo, cốt yếu vẫn là chữ “Tết” trong mỗi con người. Mặc dù còn đó biết bao nhiêu nỗi lo toan, loay hoay trong cái năm mới, cái Tết đang rất gần.

“Tết nghèo nên chẳng có rượu trà
Bạn bè không đến ngại đường xa
Thăm viếng làm chi cho thêm tủi
Tết đến vài ngày Tết sẽ qua…”

Chia sẻ của D. Trường

Hãy gửi câu chuyện của bạn qua email [email protected] để chia sẻ đến độc giả của Việc Làm 24h và nhận được những phần quà từ Ban quản trị.