Cách trả lời Ưu và Nhược điểm sao cho ghi điểm nhà tuyển dụng?

Cách trả lời Ưu và Nhược điểm sao cho ghi điểm nhà tuyển dụng?

Vòng phỏng vấn là vòng ứng tuyển quan trọng khiến nhiều ứng viên trăn trở, lo lắng. Chúng ta không biết cách thể hiện như thế nào, trả lời các câu hỏi ra sao để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, nhất là những câu hỏi về ưu và nhược điểm, chúng phản ánh phần lớn tính cách, năng lực cũng như khả năng ứng xử, giao tiếp của bạn. Liệu bạn đã sở hữu những bí quyết trả lời ưu nhược điểm phù hợp, ứng biến linh hoạt và gây ấn tượng đối với nhà tuyển dụng hay chưa?

Nói về ưu, nhược điểm là một khía cạnh quan trọng trong phần giới thiệu bản thân. Nó quyết định ánh nhìn đầu tiên, cơ bản của nhà tuyển dụng đối với bạn và chi phối kết quả ứng tuyển của bạn. Vì vậy, bạn cần phải chuẩn bị tốt phần này để tạo cơ hội cho bản thân được làm công việc lý tưởng, yêu thích. Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để bỏ túi cho mình những cách trả lời Ưu và Nhược điểm sao cho ghi điểm nhà tuyển dụng nhé!

Thế nào là ưu điểm, điểm mạnh?

Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được ưu điểm, điểm mạnh chính là những đặc điểm nổi bật, vượt trội của bản thân trong công việc hay trong cuộc sống. Ưu điểm bạn sở hữu có thể là những kiến thức, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn bạn gặt hái được từ công việc, hoạt động bạn từng tham gia, cũng có thể là tố chất bẩm sinh, kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thuyết phục,… 

Tuy nhiên, trong phỏng vấn, chúng ta cần lưu ý trình bày ưu điểm, điểm mạnh sao cho phù hợp với yêu cầu, tính chất công việc ứng tuyển cũng như văn hoá của doanh nghiệp. Điểm mạnh đó phải thực sự có ích đối với công việc bạn có thể được đảm đương sau này nếu có cơ hội đậu vòng phỏng vấn. Và đồng thời bạn phải thể hiện được với nhà tuyển dụng rằng bạn có thể phát huy và giữ gìn điểm mạnh đó để đóng góp vào sự phát triển đi lên của công ty.

Cách trả lời điểm mạnh của bạn là gì?

Khi trình bày về điểm mạnh của bạn, bạn không nên quá khiêm tốn cũng như quá phóng đại khả năng vốn có của mình. Chú ý không nên lan man, dài dòng mà hãy chân thành, chừng mực, tỏ một thái độ tôn trọng, tích cực đối với nhà tuyển dụng. Việc kể lể quá nhiều có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy không đáng tin. Sử dụng ngôn từ đơn giản, không quá màu mè hay hoa mỹ sẽ giúp bạn tạo thiện cảm trong mắt nhà tuyển dụng.

Dưới đây là một số ví dụ điển hình về điểm mạnh mà bạn có thể tham khảo: 

  • Kỹ năng làm việc: Khi trình bày về điểm mạnh này, bạn hãy đọc kỹ và phân tích những yêu cầu trong mô tả công việc (Job description) để hiểu hơn về vị trí mình đang ứng tuyển, từ đó hướng nó với những ưu điểm của bản thân để chứng tỏ rằng bạn sở hữu những đặc điểm về năng lực hay tính cách phù hợp, cần thiết cho vị trí công việc đó.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề: Bạn đã có thời gian dài làm việc và tích luỹ kha khá kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề phát sinh trong công việc. Hoặc bạn là một người điềm tĩnh trước mọi vấn đề xảy đến và sử dụng tư duy phản biện để nhìn bao quát, xử lý vấn đề một cách khách quan, khoa học, vậy thì hãy thể hiện điểm mạnh này đối với nhà tuyển dụng.
  • Tài lẻ: Nếu bạn có tố chất, tài năng riêng, đặc biệt có thể trở thành một người nổi bật khiến người khác chú ý, hoặc nhân tố đó có thể giúp nhà tuyển dụng có thêm một màu sắc khác để phát triển văn hoá doanh nghiệp, đừng ngần ngại mà hãy nói ra điểm mạnh của mình để gây ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng.
  • Hiểu biết rộng: Bạn là một người từng trải, có thời gian tiếp xúc, cọ xát, thử sức với nhiều vị trí, vai trò khác nhau trong những doanh nghiệp khác nhau? Điều này khiến bạn trở thành một người khá am hiểu, tường tận trong nghề. Nhà tuyển dụng đặc biệt ưu tiên đối với những ứng viên có chuyên môn cao và lành nghề như thế.

Điểm yếu, nhược điểm được hiểu như thế nào?

Điểm yếu, nhược điểm được hiểu là những thiếu sót, những điểm chưa tốt của bạn. Cũng giống như điểm mạnh, khi trình bày điểm yếu, bạn cần phải có sự liên kết, phù hợp giữa chúng đối với tính chất, đặc trưng của công việc và doanh nghiệp bạn ứng tuyển. 

Cách trả lời điểm yếu của bạn là gì?

Không ai trên thế giới này là hoàn hảo và việc trình bày điểm yếu không phải là một điều gì quá xấu hổ. Sự chân thành trong cách ứng xử và muốn cải thiện điểm yếu của bạn mới là điều khiến nhà tuyển dụng quan tâm. Hãy thành thật nhưng cũng cẩn trọng trong việc trình bày nó bởi vì nếu điểm yếu quá lớn, quá nhiều và nhà tuyển dụng cảm thấy nó không phù hợp, làm tệ tiến độ công việc sau này, khả năng bạn bị loại khỏi vòng phỏng vấn là một điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhà tuyển dụng sẽ đi sâu vào phân tích điểm yếu của bạn, cách bạn tìm hướng khắc phục và đánh giá hướng khắc phục của bạn có thực sự hiệu quả.

Do đó, bạn hãy ưu tiên trình bày khuyết điểm của mình theo hướng tích cực, có sự cầu tiến. Bạn cần tỏ ra khiêm tốn và sẵn sàng thay đổi, học hỏi và khắc phục điểm yếu của mình không ngừng kể từ thời điểm hiện tại.

Dưới đây là một số ví dụ điển hình về điểm yếu, nhược điểm bạn có thể dùng để trả lời trong phỏng vấn nếu nó phản ánh đúng con người bạn:

  • Hướng nội: Hướng nội hạn chế khả năng tiếp xúc, giao tiếp và chia sẻ, đóng góp ý tưởng của bạn đối với đồng nghiệp, nhà quản lý, nhất là trong những ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt, năng động như Marketing, báo chí,… . Nó còn ảnh hưởng đến không gian làm việc, sự năng động và khả năng liên kết giữa các nhân viên công ty. Cách khắc phục đó chính là cởi mở, hoà đồng, tự tin hơn trong mọi hoạt động ở công ty. Tập nói trước đám đông nhiều hơn, dành thời gian tiếp xúc với con người nhiều hơn sẽ giúp cải thiện được điểm yếu này.
  • Tính cả nể: Người cả nể là người luôn mang sự thoả hiệp đối với mọi vấn đề trong cuộc sống. Đó không phải là sự nhường nhịn, mà là sự trốn tránh đối đầu, chỉ để giữ hoà khí, mối quan hệ đối với đối phương. Điều này có thể khiến chất lượng dự án, công việc không được phản ánh đúng sự thật, làm giảm sự “công tư phân minh” trong môi trường làm việc đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển đi lên của doanh nghiệp. Dám nói lên tiếng nói riêng, ý kiến, đánh giá của bản thân một cách chừng mực, đúng đắn là điều vô cùng cần thiết. Đôi khi, ý tưởng mà bạn giấu diếm ngần ngại không dám nói ra lại có thể có sức ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của công ty, và đồng thời liên quan đến cơ hội thể hiện năng lực, thăng tiến trong công việc của bạn.

 

Phỏng vấn mở ra cái nhìn tổng quát, ấn tượng đầu tiên về năng lực cũng như phẩm chất của bạn. Vì vậy hãy thực hành, luyện tập và chuẩn bị thật tốt. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đầy đủ về cách trả lời Ưu và Nhược điểm sao cho ghi điểm nhà tuyển dụng, giúp bạn bước những bước tiến gần hơn đến ước mơ, hoài bão trong hành trình sự nghiệp của mình.

>> Xem thêm: Bật mí cách viết email từ chối nhà tuyển dụng sao cho khéo léo

— HR Insider —
RaoXYZ 
– Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam