Bỏ việc sau Tết

Bỏ việc sau Tết

Năm ngoái, Ngân Hà từng tính đến chuyện nhảy việc vài lần. Nhưng phải đến hết kỳ nghỉ Tết năm nay, cô mới đủ quyết tâm nộp đơn xin nghỉ ở công ty cũ.

Năm ngoái, Ngân Hà từng tính đến chuyện nhảy việc vài lần. Nhưng phải đến hết kỳ nghỉ Tết năm nay, cô mới đủ quyết tâm nộp đơn xin nghỉ ở công ty cũ.

Lê Thanh Ngân Hà (27 tuổi) đã gắn bó với chỗ làm cũ được gần 4 năm. Quãng thời gian không quá dài cũng không quá ngắn nhưng Hà nghĩ đã đến lúc cô cần thay đổi cả về công việc lẫn môi trường.

“Năm ngoái tôi chưa dám nghỉ vì lo không tìm được việc tốt khi hầu hết doanh nghiệp đều cắt giảm nhân sự trong dịch. Nhưng hiện tại, kinh tế đang dần hồi phục, ngành marketing cũng không quá khó khăn nên quyết định nghỉ luôn dù chưa tìm được chỗ mới”, Hà nói.

Tương tự Hà, nhiều người trẻ cũng quyết định thôi việc, nhảy việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đây được xem là một phần của làn sóng “đại từ chức” (The Great Resignation) đang lan rộng ở nhiều nước trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lao động ồ ạt xin nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau. Các doanh nghiệp buộc phải đưa ra các chính sách mới để vừa giữ chân nhân viên, đồng thời nâng cao năng suất lao động.

Mùa nhảy việc

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán một tuần, Bùi Kim Ngân (23 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) nộp đơn xin nghỉ việc.

Sau khi ra trường, Ngân vào làm ở nơi hiện tại khoảng một năm. Cô đã có ý định tìm công việc khác từ lâu nhưng hầu hết công ty đều cắt giảm nhân sự trong dịch nên kế hoạch đành tạm hoãn.

“Môi trường, mức lương thưởng ở chỗ này rất ổn nhưng không đào tạo mảng tôi muốn học thêm. Hiện tôi đang tìm nơi có hướng dẫn nghiệp vụ về kế toán tổng hợp, được làm công việc bao quát hơn liên quan đến thuế, cách sắp xếp chứng từ và quyết toán. Rời công ty đầu tiên cũng hơi tiếc nuối nhưng ở tuổi này, tôi cần tích lũy kinh nghiệm và bổ sung kiến thức mới”, Ngân chia sẻ.

Dịp Tết vừa qua, Ngân được thưởng 3 tháng lương, tổng cộng 42 triệu đồng. Nói về vấn đề nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết, cô cho rằng đây là khoản công ty trả cho những đóng góp của nhân viên trong suốt một năm, không thể xem là sợi dây ràng buộc người lao động.

“Tôi nghĩ nếu thấy công việc hiện tại không phù hợp thì kiếm nơi khác là chuyện bình thường. Những người đã làm việc chăm chỉ, nỗ lực, nhận thưởng Tết cao là điều xứng đáng. Vì vậy, không thể đánh giá nhân viên nghỉ việc sau khi nhận thưởng”, Ngân nói thêm.

Theo quy trình của công ty, Ngân đã báo với cấp trên trước một tháng để tìm nhân sự thay thế. Hiện cô hoàn tất những nhiệm vụ cuối cùng và chuẩn bị hồ sơ xin việc.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, đến cuối 2021, Việt Nam có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp, tăng 0,54% so với năm 2020. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị vượt mức 4%, cao hơn khu vực nông thôn.

Khảo sát trực tuyến của công ty tư vấn tuyển dụng Anphabe cho thấy 6/10 người đang chủ động tìm kiếm công việc mới trên thị trường lao động Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều lý do khiến lao động muốn nhảy việc, chẳng hạn như biến động trong ngành, mất cân bằng công việc, thiếu kết nối với đồng nghiệp, kiệt sức vì căng thẳng…

Thay đổi ưu tiên khi tìm việc mới

Sau làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, bộ phận lớn người lao động ở các tỉnh có tâm lý “sợ thành phố” đã về quê và không có ý định quay lại. Thói quen làm việc từ xa trong đợt giãn cách cũng khiến nhiều người không còn muốn đến văn phòng 5-6 ngày/tuần như trước.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, sau nới lỏng giãn cách, thành phố có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại nhưng rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, với nhu cầu vào khoảng 43.600-56.800 người.

Kiều Anh (21 tuổi, quê Cà Mau), làm việc trong ngành truyền thông tại TP.HCM, quyết định “dứt áo ra đi” sau khi hết hạn hợp đồng lao động vào cuối tháng 2/2022. Trước đó, cô đã có định hướng mới là tập trung cho việc học và phát triển bản thân.

“Tôi cũng đã trải nghiệm đi làm trong suốt những năm đại học từ vị trí part-time đến fulltime. Sau khi hoàn tất thủ tục và bàn giao công việc, tôi sẽ đi du lịch cùng bạn bè để giải tỏa căng thẳng chứ chưa có ý định tìm việc vội”, Kiều Anh chia sẻ.

Trước khi có ý định nghỉ việc, cô gái 21 tuổi đã dành dụm một khoản tiền đủ để trang trải chi tiêu cá nhân trong thời gian tới.

Theo Kiều Anh, điều khó khăn nhất với cô sau khi rời văn phòng là sắp xếp lại cuộc sống và thói quen sinh hoạt.

“Làm việc trong ngành truyền thông nên nhiều lúc phải chạy deadline đến tận khuya, thời gian biểu đảo lộn. Đôi khi tôi cũng quen với nhịp sống đó và bỏ bê bản thân. Giờ là cơ hội để tôi thay đổi, sống lành mạnh hơn”, Kiều Anh nói.

Với Ngân Hà (27 tuổi), đại dịch đã khiến cô thay đổi tiêu chí lựa chọn công việc. Nếu trước đây, cô thường quan tâm đến lương thưởng, cơ hội thăng tiến thì hiện tại ưu tiên hàng đầu là các chính sách cụ thể như làm thêm giờ hay work from home.

“Khi đặt công việc và cuộc sống lên bàn cân, tôi lựa chọn cuộc sống. Chính vì vậy, tôi sẽ nói không với những công việc thường xuyên yêu cầu làm ngoài giờ, dù có được hứa hẹn nhiều về lương thưởng”, Ngân Hà chia sẻ.

 

>> Xem thêm: Văn hóa công ty không phù hợp? Người chuyên nghiệp nên làm gì?

— HR Insider / Theo Zing.vn—
RaoXYZ 
– Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam