Anh đã soi gương nhìn mình trước khi mang vợ mình ra so sánh với vợ người ta chưa?

Anh đã soi gương nhìn mình trước khi mang vợ mình ra so sánh với vợ người ta chưa?

Dạo này cụm từ vợ người ta xuất hiện dày đặc trong cuộc sống của vợ chồng Hằng.

Đi làm về, chân chống xe máy còn chưa dựng Hằng đã nghe thấy tiếng Thưởng oang oang:

- Đi làm thì thôi, về tới nhà nhìn thấy vợ mình mà nản, vợ người ta mà ham.

Hằng bắt đầu thấy nóng mặt, không phải vì hơi nóng từ bếp mà đơn giản, máu trong người Hằng đang sôi lên sau câu nói của Thưởng. Độ dăm tháng trở lại đây, Thưởng bắt đầu xuất hiện kiểu câu vợ người ta. Mà vợ người ta có phải ai xa lạ đâu, là cô Mai hàng xóm nhà Hằng chứ ai. Cô ấy cũng bằng tuổi Hằng nhưng được cái lấy chồng có điều kiện, lại được chồng chăm bẵm, yêu thương, chiều chuộng và chưa qua sinh nở nên người cứ phây phây ra. Hai nhà cách nhau có một cái hàng rào bằng hoa nên thi thoảng nhìn sang thì cũng thấy lãng mạn ghê gớm lắm.

Trong khi Hằng, rời việc cơ quan là xắn luôn tay vào việc nhà. Tan làm là lao nhanh đến nhà trẻ đón con. Rồi hai mẹ con lại rồng rắn nhau ra chợ. Về nhà thì tất tả cơm nước, dọn dẹp, cho con ăn. Còn Thưởng. Tan làm, việc duy nhất của Thưởng là đi ăn nhậu với mấy hội bạn. Hôm thì hội cấp 1, cấp 2, cấp 3, hôm thì bạn đồng nghiệp, hôm thì bạn thể thao… Hôm nào may mắn lắm thì được ăn cơm cùng Thưởng, còn không thì phải ngồi đợi Thưởng tới tận 10, 11 giờ đêm. Nói đi, nói lại, nói mãi, nói như mưa ngấm thối đất thối cát rồi mà Thưởng vẫn cứ “vững tâm” hơn đá. Thành ra Hằng chán, để mặc Thưởng, muốn đến đâu thì đến, muốn ra sao thì ra.

“Anh đã soi gương nhìn mình trước khi mang vợ mình ra so sánh với vợ người ta chưa?” (Ảnh minh họa)

Hằng đã không nói gì thì thôi, đằng này Thưởng lại còn ra sức chê bai Hằng. Nào thì “Mới có 1 con mà nhìn như bà 8 đứa, chẳng bù cho vợ người ta, khúc nào ra khúc nấy”, nào thì “Ai tới nhà chơi không biết lại tưởng ô sin cũng nên, chẳng bù cho vợ người ta, quần là áo lượt, nhìn là phát ghen” rồi “ Phụ nữ gì mà ăn nói bốp chát, lại còn suốt ngày gắt gỏng, chẳng bù cho vợ người ta ngọt như mật ong thượng hạng”… Từ ngoại hình tới tính cách, tới nội trợ nữ công gia chánh của Hằng, Thưởng đều không thương tiếc đem so với vợ người ta, khiến Hằng vừa buồn vừa ấm ức.

Tại sao Thưởng không chịu nghĩ. Chồng Mai luôn được tiếng là soái ca, yêu thương, quan tâm vợ nhất mực. Đã có khi nào Thưởng cầm nổi lấy cây chổi quét nhà hay đi đón con một lần chưa? Hằng cũng không muốn so sánh, nhưng chồng Mai đi làm về là giúp vợ cơm nước dọn dẹp, chứ đâu có vắt chân ngồi nhậu rồi tối về đợi vợ hầu như Thưởng. Nhịn hoài, nhịn mãi rồi mà càng nhịn, Thưởng càng lấn tới, xem thường Hằng ra mặt:

- Ôi cái số tôi nó khổ thế không biết. Cùng kiếp đi lấy vợ, mà vợ người ta nhìn quần là áo lượt, má đỏ môi hồng. Trong khi vợ mình thì, xấu hổ tới mức không dám mang ra đường mà khoe.

Câu nói của Hằng làm mặt Thưởng ngắn tũn lại. (Ảnh minh họa)

Bao nhiêu máu trong người Hằng sôi lên sung sục. Hằng đã không nói để giữ sĩ diện cho Thưởng, vậy mà Thưởng còn không biết điều, hết lần này đến lần khác hạ nhục Hằng, coi thường Hằng. Hằng như thế này là vì ai cơ chứ? Không phải cũng là một phần do sự vô tâm của Thưởng hay sao? Bực mình, Hằng đáp trả:

- Anh đã soi gương nhìn mình trước khi mang vợ mình ra so sánh với vợ người ta chưa? Chồng người ta tan làm là về nhà giúp vợ giúp con, cuối tuần đưa vợ đưa con đi chơi, đi mua này sắm nọ. Còn anh, anh đã làm được những gì. – Hằng tỉnh bơ

Câu nói của Hằng làm mặt Thưởng ngắn tũn lại. Hình như có thứ gì đó xấu hổ đang vẽ lên mặt Thưởng. Không nói không rằng thêm một câu nào, Thưởng leo tót lên phòng. Ngày hôm sau, Hằng ngạc nhiên quá đỗi khi Thưởng gọi điện và nói:

- Hôm nay để anh đón con em ạ!

Mỉm cười tắt máy. Có ai ngờ đâu một câu nói vào đúng tầm quan trọng lại tạo nên kì tích như thế đâu…

 Theo Một thế giới