6 lời khuyên ứng xử giúp nghỉ việc mà không bị sếp cũ ghét

6 lời khuyên ứng xử giúp nghỉ việc mà không bị sếp cũ ghét

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có lúc muốn thay đổi công việc vì một lý do nào đó. Vậy làm thế nào để có thể ra đi mà vẫn giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp với những người ở lại cũng như thể hiện bản thân là một người làm việc có trách nhiệm? Tham khảo ngay những cách ra đi “nhẹ nhàng” nhất mà Việc Làm 24h tư vấn nhé!

1. Không nghỉ việc bất ngờ

Điều đầu tiên bạn tuyệt đối không nên làm là không thông báo trước khi nghỉ việc. Hầu hết các công ty đều quy định rằng nhân viên nghỉ việc phải báo trước ít nhất 30 ngày. Đây là khoảng thời gian cần để công ty tìm kiếm người thay thế và sắp xếp bàn giao công việc. Vì vậy, bạn cần quyết định và thông báo với cấp trên trước ít nhất 1 tháng trước khi nghỉ chính thức. Nghỉ việc đột ngột có thể khiến bạn bị phạt hoặc trừ lương. Ngoài ra, bạn có thể bị sếp và đồng nghiệp “cạch mặt” vì cho rằng bạn thiếu tôn trọng và trách nhiệm với công ty. Quan trọng là, để công ty có sự điều chỉnh nhân sự phù hợp, bạn nên chuẩn bị đơn xin nghỉ việc để thông báo về quyết định ra đi của mình.

>> Đọc thêm: Viết đơn xin thôi việc như thế nào thể hiện sự chuyên nghiệp?

2. Trung thực lý do nghỉ việc

Nghỉ việc không bị ghét

Trung thực lí do nghỉ việc sẽ khiến sếp đánh giá cao bạn.

Điều quan trọng thứ hai bạn cần làm là đưa ra một lý do nghỉ việc trung thực. Hãy thành thật trình bày với cấp trên của bạn về lý do ra đi, dù là do bạn tìm được môi trường khác tốt hơn, hay là do mâu thuẫn với đồng nghiệp và chán ghét nhiệm vụ hiện tại. Bởi trung thực sẽ khiến sếp bạn nhìn nhận và đánh giá được tình hình của nhóm hiện tại. Và bởi sếp bạn chắc chắn sẽ đủ thông minh và tinh tế để hiểu được nguyên nhân thực sự khiến bạn rời bỏ công việc.

3. Giải quyết hết việc tồn đọng

Bạn tuyệt đối đừng vì sắp nghỉ việc nên chỉ làm việc cho có, không hoàn thành hết nhiệm vụ. Đây sẽ là nguyên nhân khiến mọi người, đặc biệt là sếp đánh giá bạn là người không có trách nhiệm. Không những vậy, việc tồn đọng sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của công ty, đồng thời sẽ khó giải quyết sau khi bạn nghỉ. Và các khoản tiền còn lại thanh toán trước khi bạn nghỉ việc có thể cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, hãy toàn tâm hoàn thành tất cả công việc của bạn và chủ động yêu cầu sự trợ giúp nếu công việc còn quá nhiều. Hãy cố gắng thể hiện thật tốt tinh thần làm việc của bạn cho đến phút cuối cùng.

4. Bàn giao công việc

Bàn giao công việc

Hãy bàn giao công việc cẩn thận trước khi nghỉ việc.

Điều bạn cần làm tiếp theo là thống kê lại danh sách những công việc bạn làm và bảng hướng dẫn cách thực hiện để cho người kế tiếp đảm nhận vị trí của bạn. Nếu có thể, bạn nên dành thời gian để giúp người mới thành thạo với công việc, thuận lợi tiếp nhận vị trí mới. Ấn tượng tốt và đánh giá cao từ sếp và đồng nghiệp sẽ là “phần thưởng” dành cho sự chu đáo của bạn. Hơn thế nữa, những lời “có cánh” sếp dành cho bạn trong phần tham khảo của hồ sơ lý lịch sẽ giúp nâng cao giá trị của bạn.

“Sự ra đi của bạn càng hiên ngang khi bạn càng bàn giao công việc có thiện chí và đầy đủ. Thế giới rất nhỏ bé, bạn có thể gặp lại sếp hay đồng nghiệp cũ trong một tình huống nào đó trong tương lai mà chính bạn cũng không ngờ. Vì thế hãy cư xử lịch thiệp khi rời bỏ công việc”, Suzy Welch khuyên.

5. Chủ động tìm người thay thế

Nếu trong thời gian bàn giao công việc, bạn có thể chủ động đề cử những người phù hợp nếu công ty bạn vẫn chưa tìm được người thay thế bạn. Tìm kiếm nhân sự trong công ty hoặc dựa trên mối quan hệ của bạn để đề cử người phù hợp. Bởi bạn đã làm tại vị trí đó, bạn sẽ càng hiểu hơn người nào sẽ phù hợp để tiếp tục công việc đó. Hành động này sẽ khiến sếp bạn đánh giá cao và vô cùng biết ơn bạn vì sự đóng góp “cuối cùng” này.

6. Không nói xấu sếp hay đồng nghiệp cũ

Du với bất kỳ lí do rời đi nào, bạn cũng tuyệt đối không nên nói xấu về công ty, về sếp và đồng nghiệp cũ của mình. Điều này chỉ khiến hình ảnh của bạn trong mắt mọi người xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hãy thân thiện, tôn trọng sếp cũ, đồng nghiệp cũ vì họ đều đã từng giúp đỡ, hỗ trợ bạn trong công việc. Dù không còn làm việc chung thì họ vẫn sẽ nhớ những điều tốt đẹp về bạn và giữ mối quan hệ lâu dài.

Tuyệt đối đừng nói xấu sếp

Tuyệt đối đừng nói xấu sếp và đồng nghiệp cũ.

Hy vọng những điều trên sẽ giúp bạn để lại ấn tượng tốt với đồng nghiệp và sếp cũ. Chúc bạn nhanh chóng tìm được công việc phù hợp.