4 bước câu bình ắc-quy - mẹo lái xe ngày Tết nên biết

4 bước câu bình ắc-quy - mẹo lái xe ngày Tết nên biết

Tài xế nên chuẩn bị sẵn dây câu bình và nắm rõ quy tắc, thứ tự đấu nối các cực dương-âm trên ắc-quy xe cho và xe nhận.

Ngày Tết, nhiều hoạt động liên hoan, vui chơi có thể khiến tài xế lơ đễnh khi sử dụng xe. Ví dụ, xe đời cũ sử dụng hệ thống đèn pha chỉnh tay, nếu không tắt đèn trước khi ra khỏi xe, đèn sẽ vẫn cứ sáng mãi. Nếu để qua đêm, khả năng lớn xe sẽ hết ắc-quy. Lúc ấy, tài xế cần tìm cách cung cấp điện cho ắc-quy để có thể khởi động xe.

Hiện có hai cách được sử dụng nhiều để kích ắc-quy. Cách ít phổ biến là mua những cục sạc có khả năng kích điện cho ắc-quy. Cách thứ hai khá truyền thông là sử dụng một xe có ắc-quy còn tốt để đấu nối hay được gọi là "câu bình". Cách thực hiện đơn giản như sau:

Đấu nối ắc-quy
 
 
Đấu nối ắc-quy

Video: Lộc Chung

Chuẩn bị

- Hai dây câu ắc-quy, dây dương màu đỏ, dây âm màu đen

- Khuyến khích có: găng tay cách điện

- Giày, dép cách đất

Các bước cứu hộ

Bước 1: Đấu nối

Tài xế bắt buộc đấu nối theo quy tắc sau, nếu không sẽ gây cháy nổ:

(1) Cọc dương ắc-quy hết điện

(2) Cọc dương ắc-quy cứu hộ

(3) Cọc âm ắc-quy cứu hộ

(4) Kim loại không sơn trên xe hết điện

Bước 2: Khởi động xe

Sau khi đấu nối xong, tài xế nổ máy xe hết điện. Nếu chất lượng dây dẫn và ắc-quy xe cứu hộ còn tốt, xe gặp sự cố sẽ nổ được máy ngay.

Ở bước này, nếu không chắc chắn về ắc-quy xe cứu hộ còn tốt hay không, hãy nổ máy xe cứu hộ trước khi nổ máy xe gặp sự cố.

Bước 3: Tháo dây nối

Sau khi đã khởi động được xe, cần tháo dây theo thứ tự ngược lại với khi đấu nối, tức 4-3-2-1.

Bước 4: Nổ máy để xe nạp điện

Khi đã khởi động được, thu hết dây câu bình, tài xế cần để xe tiếp tục nổ máy 20-30 phút để xe nạp điện lại cho ắc-quy. Việc nổ máy có thể diễn ra tại chỗ hoặc di chuyển xe trên đường.

Minh Hy